Vùng lõi nút giao An Bình (Đồng Tháp): Người dân đi không được, ở không xong

Đã 7 năm trôi qua, kể từ khi có quyết định thu hồi đất để làm nút giao An Bình (năm 2018), 77 hộ dân đang sinh sống tại lõi nút giao An Bình (phường Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp) vẫn sống trong cảnh đi không được, ở chẳng xong, chật vật mưu sinh giữa vùng quy hoạch “treo”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, nút giao An Bình có diện tích đất thu hồi trên 3,3ha, nằm trong phạm vi Dự án cầu Cao Lãnh, thuộc tuyến kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê-công được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Công văn số 2399 ngày 30-12-2010. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) thực hiện quản lý dự án và phạm vi thực hiện dự án có thu hồi đất để thực hiện 4 nút giao gồm: quốc lộ 30 (nút giao An Bình), quốc lộ 80, quốc lộ 54, đường tỉnh ĐT.849, trong đó dự án nút giao An Bình gây nhiều hệ lụy cho người dân.

V4b.jpg
Căn nhà của ông Lê Phi Hùng xuống cấp, mưa dột khắp nơi

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1955), một trong những hộ dân sống giữa lõi nút giao. Cách đây hơn một tháng, bà suýt thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi băng qua dải phân cách đường dẫn lên cầu Cao Lãnh để về nhà. “Khi tỉnh lại, tôi đã nằm trong phòng cấp cứu, máu me đầy người, chân gãy, không có tiền phẫu thuật kẹp inox nên đành bó bột, rồi về nhà điều trị bằng thuốc nam do một thầy lang trong xóm hỗ trợ miễn phí”, bà kể với đôi mắt đỏ hoe.

Không riêng bà Minh, nhiều hộ dân khác cũng sống trong cảnh tạm bợ giữa vùng bị quy hoạch “treo”. Ông Lê Phi Hùng (sinh năm 1964) cho biết, căn nhà của gia đình ông đã mục nát theo năm tháng, mưa dột khắp nơi. “Muốn sửa nhà cũng không được vì nằm trong vùng quy hoạch, còn đi vay ngân hàng thì không được do năm 2018 chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định thu hồi đất”, ông Hùng than thở.

Không chỉ nhà cửa bị xuống cấp mà sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Trương Thị Lài, tiểu thương sống ven quốc lộ 30, cho hay, thu nhập từ buôn bán đã giảm mạnh từ 700.000 - 1 triệu đồng/ngày xuống còn khoảng 200.000 đồng/ngày do khu vực bị phong tỏa một phần. “Nếu dự án chưa triển khai thì nên cho người dân sửa chữa nhà để ở, còn đã thu hồi rồi thì bồi thường cho bà con ổn định nơi ở mới,” chị Lài nói.

Theo thống kê, trong số 77 hộ dân bị ảnh hưởng, chỉ 29 hộ dân được hỗ trợ tái định cư. Đến nay, hơn 7 năm trôi qua nhưng họ vẫn chưa được nhận nhà, thậm chí nhiều người đã qua đời khi chưa được chuyển về nơi ở mới.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Cư Trinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, cho biết, xây dựng nút giao An Bình là dự án của trung ương nên địa phương không thể chủ động thực hiện nếu chưa có sự bàn giao chính thức. Tuy nhiên, ngày 25-6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã đồng ý giao lại cho tỉnh quản lý. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tiến tới đề xuất chủ trương đầu tư. Phương án được đưa ra là sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất trong vùng lõi nút giao, kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 91 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhựt Pháp, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, hiện vẫn chưa có dự án đầu tư chính thức nên không thể trình chủ trương bồi thường. “Về nguyên tắc, phải có dự án được phê duyệt thì mới có cơ sở pháp lý để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư,” ông Nguyễn Nhựt Pháp phân tích.

Tin cùng chuyên mục