Thẩm quyền của UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã về quản lý đất đai

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền quản lý đất đai giữa chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, từ tháng 7-2025, UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã sẽ được giao thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đất đai - vốn trước đây thuộc cấp huyện. Báo SGGP xin giới thiệu những thẩm quyền của UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực đất đai.

Thẩm quyền của UBND cấp huyện theo Luật Đất đai được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp xã: Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế; Phê duyệt phương án sử dụng đất lúa của cá nhân; Quyết định thu hồi đất theo khoản 2 Điều 83, điểm b khoản 3, khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 87 và khoản 7 Điều 91 Luật Đất đai; Ban hành Thông báo thu hồi đất; Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án cưỡng chế thu hồi đất và kinh phí cưỡng chế; Quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Xác định lại diện tích đất ở và cấp Giấy chứng nhận; Ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất trong trường hợp áp dụng giá trong bảng giá đất hoặc xác định giá đất cụ thể; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; Quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với cá nhân, cộng đồng dân cư, giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 123 và Điều 178 Luật Đất đai; Phê duyệt phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh đất đai để thực hiện dự án chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn, mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn (theo Điều 219 Luật Đất đai).

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện theo Luật Đất đai được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp xã: Thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 86); Ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc (Điều 87); Cưỡng chế kiểm đếm (Điều 88); Cưỡng chế thu hồi đất và thành lập Ban cưỡng chế (Điều 89); Quyết định trưng dụng, gia hạn trưng dụng đất; Thành lập Hội đồng và quyết định mức bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất (Điều 90); Quyết định giá đất cụ thể (Điều 160); Giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (Điều 236); Thẩm quyền thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xác định giá đất cụ thể (theo khoản 3 Điều 160 Luật Đất đai) được chuyển cho UBND cấp xã.

O4a.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính về đất đai tại Trung tâm hành chính công xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Thẩm quyền của UBND cấp huyện theo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp xã: Thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (Nghị định số 71/2024/NĐ-CP); Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Nghị định số 88/2024/NĐ-CP); Quyết định giá đất bồi thường bằng đất có mục đích khác (Nghị định số 88/2024/NĐ-CP); Giao đất cho cá nhân đủ điều kiện (Điều 53 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP); Phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 55); Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp, đất kết hợp (Điều 78, Điều 99); Phê duyệt phương án góp quyền sử dụng đất (Điều 100); Phê duyệt phương án cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 108).

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện tại các nghị định cũng được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp xã: Tổ chức thực hiện quyết định giá đất cụ thể (Điều 38 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP); Xác định mức bồi thường do trưng dụng đất gây ra (Điều 29 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP); Thành lập Ban cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc (Điều 36); Ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, thành lập và quyết định thành phần Ban thực hiện cưỡng chế (Điều 108).

Về quy định liên quan đến thủ tục, hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, hồ sơ địa chính: Đối với việc nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký được lựa chọn một trong các nơi nộp hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh. Hồ sơ địa chính tại khoản 1 Điều 128 Luật Đất đai được tập hợp theo đơn vị hành chính cấp xã. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai không được yêu cầu người sử dụng đất thực hiện chỉnh lý hồ sơ, giấy tờ liên quan đến đất đai sau khi sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mà thực hiện đồng thời khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục hành chính hoặc trên cơ sở nhu cầu của người sử dụng đất. UBND cấp xã khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai không phải thực hiện riêng việc xác nhận về sự phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, đất sử dụng ổn định.

Bộ NN-MT đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp”. Đây là tài liệu thiết thực, là cẩm nang hữu ích giúp các địa phương nắm rõ quy định, thẩm quyền, quy trình, từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền mới.

Sổ tay cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai. Người dân quan tâm có thể tìm đọc sổ tay tại các trung tâm dịch vụ hành chính công, hoặc tải sổ tay theo địa chỉ: https://www.facebook.com/groups/chinhsachphapluat/posts/1289782602721308.

Tin cùng chuyên mục