Mâu thuẫn

Dư luận những ngày qua nổi lên vấn đề về bảo tồn di sản. Từ việc xây cầu vượt đe dọa Đàn Xã Tắc cho đến sự kiện người làng cổ Đường Lâm đòi trả danh hiệu di tích quốc gia. Cả sự kiện trên được nhiều người xem như là minh chứng cho tình trạng mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản với sự phát triển, nhu cầu sinh sống của người dân. Đây cũng là mâu thuẫn được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua do có rất nhiều di sản văn hóa đang gắn liền với cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào bản chất vấn đề thì cái gọi là mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và sự phát triển, nhu cầu sinh hoạt của người dân chỉ là biểu hiện bề ngoài. Trên thực tế thì mọi mâu thuẫn chỉ nằm ở quyền lợi của các nhóm lợi ích. Lấy điển hình như ở vụ Đàn Xã Tắc, vấn đề mâu thuẫn không phải ở di tích và cây cầu vượt mà là ở những người mong muốn giữ lại một di sản văn hóa với những người muốn nhanh chóng hoàn thành cây cầu. Cũng như thế, ở Đường Lâm, mâu thuẫn không nằm ở việc bảo tồn di tích với cuộc sống người dân mà là ở quyền lợi của người dân địa phương và quyền lợi của ban quản lý di tích.

Biết được bản chất của sự mâu thuẫn mới có thể tìm ra biện pháp giải quyết triệt để. Trong giới nghiên cứu văn hóa, bảo tồn, người ta hay nhắc đến câu chuyện con báo. Con báo là loài thường bắt trâu, bò, gà, vịt, thậm chí có khi nó còn tấn công cả con người nhưng cũng là loại động vật nằm trong danh sách phải bảo tồn, cấm săn bắt, giết hại. Hàng loạt cuộc tranh cãi nổ ra để tìm ra cách giải quyết, một bên đòi giết con báo để bảo vệ người dân, hay ít nhất bắt nó vào sở thú. Vấn đề chỉ được giải quyết khi những người có trách nhiệm nhìn ra được bản chất thực sự của mâu thuẫn nằm ở lợi ích của người dân và nhu cầu sống của con báo.

Khi đó, cách giải quyết trở nên rất đơn giản, người ta tham khảo các nhà sinh vật học để tìm xem có cách nào vừa không ảnh hưởng đến người dân vừa không can thiệp đến môi trường hoang dã của con báo. Và người ta đã chọn nuôi con la, vì đây là động vật không sợ báo và có thể đánh nhau với báo để bảo vệ các động vật khác…

Việc mâu thuẫn quyền lợi trong bảo tồn di sản văn hóa với sự phát triển cũng vậy, điều này không mới lạ trên thế giới và người ta cũng đã có rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này. Ngay ở Việt Nam, bài học ở Hội An cũng đáng để các nhà quản lý di tích tham khảo.

Ở Hội An, ban đầu cũng gặp những khó khăn giống như ở Đường Lâm, phải đến khi có chủ trương phát triển du lịch dựa trên nền tảng không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và không gian sinh thái bản địa đảm bảo hài hòa các lợi ích bảo tồn và phát triển. Lợi ích vật chất của người dân được đảm bảo đã kích thích họ chủ động tham gia bảo tồn di sản, tham dự các dịch vụ du lịch, lợi ích của chính quyền được đảm bảo khi vừa đảm bảo duy trì các giá trị di sản văn hóa, vừa phát triển kinh tế, xây dựng một “thương hiệu” du lịch di sản Hội An như hiện nay.

Xuân Thân

Tin cùng chuyên mục