Màu xanh trên “vành đai thép”

Cách đây 40 năm, ngày 21-4-1975, trận đánh giải phóng thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) trong Chiến dịch Xuân Lộc đã phá vỡ “cánh cửa thép” của địch ở cửa ngõ Đông Bắc, mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng thành phố Sài Gòn...
Màu xanh trên “vành đai thép”

Cách đây 40 năm, ngày 21-4-1975, trận đánh giải phóng thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) trong Chiến dịch Xuân Lộc đã phá vỡ “cánh cửa thép” của địch ở cửa ngõ Đông Bắc, mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng thành phố Sài Gòn...

Khi “cánh cửa thép” đổ sập

Theo chân các cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 về thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi như vui lây niềm vui chiến thắng của những người lính năm xưa từng trực tiếp chiến đấu giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, người trực tiếp chỉ huy trận đánh bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, nơi đây dân cư thưa thớt, chỉ có các trung tâm đầu não ngụy và các căn cứ quân sự của địch đóng quân dày đặc. Do đó quân ta phải chiến đấu quyết liệt để giành từng tấc đất với kẻ thù, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để có ngày hòa bình hôm nay…”.

Thị xã Long Khánh hôm nay. Ảnh: HOÀNG LONG

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, trận chiến giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh được xem là một mắt xích quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ lâu, chính quyền ngụy coi Xuân Lộc là điểm chiến lược, “nếu mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, do đó chúng tăng cường xây dựng tuyến phòng thủ từ Phan Rang xuống Xuân Lộc - Long Khánh - Tây Ninh thành một “tuyến phòng thủ thép”, tập trung hàng chục ngàn quân lính thuộc các đơn vị tinh nhuệ nhất tại đây.

Đúng 5 giờ 30 phút sáng 9-4-1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu quan trọng của địch trong nội ô thị xã. Đại tá Nguyễn Quốc Thân, cựu chiến binh Sư đoàn 341, người trực tiếp tham chiến trong trận đánh vào thị xã Long Khánh, kể: “Ngay ngày đầu nổ súng, pháo của ta đã bắn phủ đầu địch, các mũi tiến công được xe tăng yểm trợ từ các hướng xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Chỉ ít lâu sau, cờ giải phóng của ta đã tung bay phất phới trên nóc một số cơ quan đầu não Mỹ - ngụy tại trung tâm tỉnh lỵ Long Khánh…”. Với sức tiến công vũ bão của đại quân ta, đến 8 giờ sáng ngày 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc toàn thắng, thị xã Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.

Dấu ấn nông thôn mới ở Long Khánh

40 năm trôi qua, giờ đây trở lại mảnh đất chiến trường xưa, khó mà hình dung nổi từ một “vùng đất chết” đến nay Long Khánh đã thay da đổi thịt từng ngày.

Thị xã Long Khánh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ những năm 2003. Tuy chưa có tiền lệ nhưng Long Khánh bắt đầu đi từ xây dựng nông thôn 4 có (có đời sống vật chất đầy đủ; có hạ tầng điện, đường, trường, trạm; có đời sống văn hóa tinh thần phong phú; có môi trường sinh thái lành mạnh). Long Khánh đã đầu tư cho nông thôn bằng các chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn, chương trình giảm nghèo, chương trình xanh sạch đẹp, chương trình cây trồng chủ lực, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Năm 2013, Long Khánh cùng với toàn tỉnh Đồng Nai chung sức xây dựng nông thôn mới, được tỉnh chọn 2 xã điểm là Xuân Tân và Bình Lộc để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nhưng không dừng lại ở đó, các xã nông thôn khác trên địa bàn cũng nô nức, phấn khởi động viên nhau cùng chung tay góp sức làm cho nông nghiệp phát triển ngày càng ổn định hơn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay theo hướng văn minh hiện đại, nông dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Đến cuối năm 2013, khi lập hồ sơ thẩm định, thì ngoài 2 xã điểm, Long Khánh còn có thêm 3 xã là Xuân Lập, Suối Tre và Hàng Gòn cũng đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được tỉnh công nhận đạt chuẩn.

Vậy là thị xã Long Khánh chỉ còn 4 xã nông thôn chưa đạt chuẩn, đây là những vùng rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân. Làm thế nào để vươn lên ngang tầm với các xã khác trên địa bàn là điều băn khoăn của lãnh đạo thị xã. Với nỗ lực và quyết tâm cao, nhằm huy động toàn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, thu hẹp dần khoảng cách giữa đời sống nông thôn và đô thị, Long Khánh đã phát động chương trình toàn thị xã chung tay xây dựng nông thôn mới, được sự hưởng ứng, đồng thuận trong nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định công nhận thêm 4 xã Bàu Trâm, Bàu Sen, Bảo Vinh, Bảo Quang đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Long Khánh có 100% xã đạt chuẩn. Thị xã Long Khánh cùng với huyện Xuân Lộc được Chính phủ quyết định công nhận là đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 (theo Quyết định số 2394/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong chuyến làm việc, thẩm định chương trình xây dựng nông thôn mới tại thị xã Long Khánh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Mặc dù hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với thị xã, nhưng Long Khánh có tính đặc thù về thực hiện chương trình; việc xét công nhận thị xã Long Khánh là đơn vị “Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” và có khen thưởng xứng đáng không chỉ động viên người dân và cán bộ thị xã về những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới mà còn có tác động tích cực thúc đẩy việc vây dựng nông thôn mới ở các đơn vị tương đồng, kể cả cấp tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ…

Xây dựng nông thôn mới là chương trình được triển khai trong phạm vi cả nước, những kết quả mà thị xã Long Khánh đạt được trong thời gian qua đã tạo nên những dấu ấn mới, vừa thiết thực, vừa hiệu quả, có thể vận dụng thành công ở những vùng nông thôn trên phạm vi cả nước

 Trong buổi làm việc với Thị ủy Long Khánh về việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá: “Với cách làm như thế này, ý Đảng hợp với lòng dân. Từ những nghị quyết của Trung ương, từ 19 tiêu chí quy định thì các đồng chí đã cụ thể hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của Đồng Nai, của Long Khánh, có cách thức chỉ đạo quyết liệt và thực sự lấy nông dân làm nhân vật trung tâm. Dân biết, dân được bàn, dân triển khai làm và dân thụ hưởng, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng thành công nông thôn mới.


MINH NGỌC - HOÀNG LONG

--------------------------------

Cảm xúc tháng tư

Tháng Tư lại về, những công dân sinh năm 1975 rất đỗi tự hào được sinh ra vào đúng những ngày tháng tư lịch sử…

Bài ca không quên

Giải phóng hoàn toàn miền Nam được 22 ngày, cũng là lúc tôi cất tiếng khóc chào đời. Năm sinh của tôi đã gắn liền với mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. Bản thân không được chứng kiến nhưng dư âm cuộc chiến tranh cứu nước của cha ông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Có lần, tôi hỏi ông nội mình về những bằng “Tổ quốc ghi công” treo trong nhà. Ông nội kể rằng cuộc đời ông đã trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó cuộc chiến tranh chống Mỹ đã cướp đi bao người thân yêu nhất của ông. Để chi viện sức người cho chiến trường miền Nam, ông tôi đã lần lượt tiễn đưa 4 người em và người con trai cả (là bố tôi) lên đường nhập ngũ. Sau giải phóng chỉ còn một mình bố tôi trở về, còn 4 người em của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường... Nói đến đây ông lặng người đi nên tôi không dám hỏi thêm gì nữa vì biết rằng sẽ làm ông thêm xót xa. Từ câu chuyện của ông, tôi càng thấm thía về sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, trong đó có người thân gia đình tôi. Điều đó đã nhắc thế hệ trẻ hôm nay không được quên công lao to lớn của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc và sống xứng đáng với cái giá mà chúng ta phải đánh đổi cho ngày hòa bình hôm nay. 

NGUYỄN THỊ CHƯ (Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, xã Bình Lộc, huyện Long Khánh).

Khi tôi tuổi 40

Với lịch sử, 40 năm chỉ là một khoảnh khắc, nhưng với cuộc đời của mỗi con người thì đó là thời gian dài, đủ để cho một thế hệ được sinh ra và trưởng thành về mọi mặt như tôi.

Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam cũng là lúc tôi vừa tròn 40 tuổi, cái tuổi đến độ chín của đời người. 40 năm trôi qua, mỗi khi tháng Tư về, tôi bùi ngùi xúc động bởi thời khắc này mang theo niềm vui hân hoan của cả dân tộc. Với thế hệ chúng tôi, dẫu 40 tuổi không phải là quá già nhưng cũng không còn quá trẻ để thụ động chờ đợi mà phải quyết phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc có hòa bình như hôm nay…

NGUYỄN CAO LỘC (Công nhân viên xã Xuân Tân, huyện Long Khánh).

Tin cùng chuyên mục