40 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24-4-1972 – 24-4-2012)

Màu xanh trên vùng đất lửa

Mùa hè rực lửa
Màu xanh trên vùng đất lửa

Tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh sừng sững giữa trung tâm huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), với cụm điêu khắc chiến sĩ Quân Giải phóng và những người dân buôn làng Tây Nguyên sát cánh bên nhau xông tới. Mái nhà rông mềm mại cao vút bên rặng cây xanh tôn thêm vẻ hùng vĩ của bức phù điêu trên tượng đài. Đây là minh chứng một thời lịch sử hào hùng của quân dân Kon Tum và cả nước, khi quân và dân ta đập tan cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh. Kể từ đây, Đăk Tô trở thành vùng được giải phóng sớm nhất trong lòng địch thời Mỹ - Ngụy tại khu vực Tây Nguyên, tháng 4-1972.

Phố thị Đăk Tô ngày càng khang trang.

Phố thị Đăk Tô ngày càng khang trang.

Mùa hè rực lửa

Đăk Tô - Tân Cảnh cách đây 40 năm là chiến trường ác liệt bậc nhất Tây Nguyên, Mỹ - Ngụy dồn quân lực, khí tài vào cứ địa này hòng án ngữ cả vùng Tây Nguyên rộng lớn. Từ phố núi Pleiku hướng về cực Bắc Tây Nguyên, xe bon bon trên đường Hồ Chí Minh. Gần tới huyện lỵ Đăk Tô, dòng Pô Kô từ thượng nguồn đổ về xuôi hiền lành uốn lượn. Thời điểm này chuẩn bị kết thúc mùa khô ở Tây Nguyên, nước sông xanh trong, ven dòng Pô Kô những rẫy hoa màu, cà phê xanh thẫm. Phía xa, những rừng cao su làm dịu cả một mảng núi đồi rực nắng.

Huyện Đắc Tô đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, Trung tá A Mến (82 tuổi), nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Đăk Tô (giai đoạn 1986 - 1993), chiến sĩ của Tiểu đoàn 304 từng tham gia trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4-1972, bồi hồi kể lại: Ngày 2-4-1972, chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng loạt trận đánh của Sư đoàn 320 vào các tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô. Với sự có mặt của bộ đội tăng thiết giáp và các đơn vị bộ binh thiện chiến như Sư đoàn 320 từ Bình Trị Thiên vào, Sư đoàn 2 từ Quảng Nam - Đà Nẵng lên, ta quyết tâm tiêu diệt tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum mà Mỹ - Ngụy cho là vành đai thép, án ngữ hành lang Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện của quân ta từ miền Bắc vào các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam bộ...

Ngoài hỏa lực đại bác và súng máy trên tháp pháo, bánh xích và tiếng gầm rú của động cơ, sức cơ động của bộ binh hiệp đồng xung trận đã làm địch hoang mang. Chỉ riêng việc xe tăng hạng nặng của ta xuất hiện trên chiến trường Tây Nguyên đã làm tướng lĩnh ngụy nao núng tinh thần. Sau những trận tập kích, tiêu hao sinh lực địch và bóc gỡ vòng ngoài, chủ lực ta được các mũi khoan thép là tăng - thiết giáp làm xung kích, tấn công tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh.

Đêm 23 rạng sáng 24-4-1972, từ phía Đông tại ngầm sông Pô Kô hạ, đại đội thiết giáp 7 gồm 9 xe tăng T54 cùng Trung đoàn bộ binh 66 và Tiểu đoàn 37 đặc công bắt đầu xuất kích, bất ngờ đột phá trận địa phòng ngự của địch. Những đơn vị địch nằm trên phía Đông căn cứ 42 nhanh chóng bị lực lượng ta quét sạch. Pháo của ta liên tục đánh phá các mục tiêu bên trong căn cứ. Trong khói lửa mù trời, các chiến sĩ Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn đặc công 37 áp sát vào hàng rào căn cứ địch. Địch đang bị bất ngờ về sự tấn công của lực lượng bộ binh ta, càng bàng hoàng khi thấy xuất hiện xe tăng.

Lúc 5 giờ 10 phút ngày 24-4-1972, pháo lệnh xuất hiện. Từ các hướng, bộ đội ta đồng loạt xung phong, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, đè bẹp sức chiến đấu của địch. Đúng 11 giờ trưa 24-4, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ 42. Lá cờ giải phóng do Tỉnh ủy Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 ngày làm lễ xuất quân đã được cắm tung bay trên đỉnh trung tâm căn cứ 42 của địch, báo tin chiến thắng. Cùng thời điểm này, hơn 20.000 đồng bào ở các ấp, khu dồn quang Đăk Tô, Tân Cảnh, dọc đường 14, Diên Bình, Kon Hơ Ring đã nổi dậy phá tan toàn bộ hệ thống phòng vệ dân sự, giải tán Ngụy quyền, diệt ác ôn, trở về làng cũ. Ta chiếm lĩnh và làm chủ toàn bộ khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh. Ủy ban quân quản quận Đăk Tô đã vào tiếp quản quận lỵ và thị trấn Tân Cảnh.

Đăk Tô ngày mới 

* Trong định hướng phát triển, huyện Đăk Tô đang tập trung nguồn lực cho công nghiệp chế biến, các cơ sở công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Hiện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến tìm hiểu và đầu tư vào huyện Đăk Tô. Những dự án lớn đã và đang được triển khai như: Nhà máy giấy Tân Mai, Nhà máy sản xuất cồn Tân Cảnh, Nhà máy thuỷ điện Đăk Sơ Ra 2, Nhà máy chế biến mủ cao su…

Về Đăk Tô, chúng tôi có dịp gặp những cựu chiến binh năm xưa. Họ tự hào nhớ về một thời khói lửa, và một Đăk Tô thay da đổi thịt hôm nay. Thị trấn Đăk Tô với đường Hồ Chí Minh băng ngang, phá vỡ thế độc đạo của huyện. Cánh rừng cây cao su xanh mướt trải khắp các sườn đồi năm xưa chằng chịt hố bom.

Làng Kon Hring, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô), 40 năm về trước, là vùng đất chết, bom cày, đạn xới, hôm nay trở thành khu dân cư no ấm, điểm sáng trong phong trào đoàn kết xây dựng đời sống mới của huyện Đăk Tô. Già làng A Ngưl đã hơn 80 mùa rẫy, song cái tay, cái chân vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Sau năm 1972, chiến trận tại vùng Đăk Tô đã kết thúc. Người cựu chiến binh từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng bà con dân làng ra sức tăng gia sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Già làng A Ngưl trầm ngâm: “Dân làng Kon Hring được no cái bụng, không còn đói cái chữ, vươn lên làm giàu, là nhờ có chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa”. Dẫu đã ở tuổi xưa nay hiếm, bàn chân ông vẫn cứng cáp, ý chí sắt đá, hàng ngày ông đến các gia đình trong làng vận động bà con từ bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Để bà con dân làng tin và làm theo, ông đã tự khai hoang đất trống, đồi trọc gần nhà để trồng cao su, trồng lúa, nuôi bò và nuôi heo, trồng cây ăn quả...

Ông bảo: “Mấy năm gần đây, trong làng đã có nhiều hộ thu nhập từ cây cao su, nông sản được trên dưới 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi và trồng các loại cây khác bán lấy tiền tích lũy”. Nhà ông đã mua được xe máy, tivi và nhiều vật dụng có giá trị. Các con ông được ăn học đầy đủ. Một người con trai đang học Đại học Sư phạm Huế sắp tốt nghiệp, con gái đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô.

Nói về những thành tựu đạt được sau 40 năm giải phóng, ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô phấn khởi cho biết: Đăk Tô là một trong những huyện phát triển của tỉnh Kon Tum, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đăk Tô đang hướng đến một đô thị sinh thái hài hòa với bản sắc văn hóa truyền thống.

Quả thật, Đăk Tô đang chuyển mình nhanh chóng với những bước đi mạnh mẽ, diện mạo quê hương không ngừng thay đổi. Đến năm 2000, huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 phổ cập THCS. Hệ thống trường, lớp học từng bước được đầu tư, kiên cố hóa.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 trường dạy nghề, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường THPT, 1 trường PTTH dân tộc nội trú, 9 trường THCS, 12 trường tiểu học và 12 trường mầm non, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường. Đời sống tinh thần ngày càng phong phú, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục