Đại tướng Tô Lâm đã hoàn toàn có lý: trong thời đại của chuyển đổi số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo mà chúng ta vẫn tiếp tục quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu thì quả thực là quá lạc hậu và bất cập.
Trước hết, quản lý bằng sổ hộ khẩu là rất dễ sai sót. Tại các thành phố lớn của nước ta, rất nhiều gia đình, nhiều cư dân có hộ khẩu ở một nơi, nhưng lại sinh sống một nẻo. Việc chuyển đổi nơi cư trú xảy ra thường xuyên và khá dễ dàng theo nhu cầu của cuộc sống. Trong lúc đó, việc chuyển đổi hộ khẩu thường gặp nhiều khó khăn và nhiêu khê. Hậu quả là rất nhiều gia đình chuyển đến nơi ở mới, nhưng vẫn để hộ khẩu ở nơi cũ.
Thêm nữa, việc cập nhật thông tin về những biến động liên quan đến chủ hộ và các thành viên khó khăn, chậm trễ. Trên thực tế, quy trình, thủ tục để cập nhật thông tin không được quy định rõ ràng. Ý thức cập nhật thông tin của một bộ phận người dân là chưa cao. Tuy nhiên, nếu người dân có ý thức cập nhật thông tin, thì cách thức để làm được điều này là không dễ và không phải ai cũng biết.
Còn tồn tại sổ hộ khẩu là còn gây ra khó khăn, tốn kém cho người dân. Với rất nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu có xác thực, người dân vừa mất tiền in sao, tiền xác thực, vừa mất công sức, mất thời gian.
Cuối cùng, sổ hộ khẩu tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế các quyền của người dân. Như đã nói ở trên, rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đến dịch vụ công đều đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu. Không có sổ hộ khẩu, hàng triệu người lao động nhập cư nhanh chóng trở thành những công dân loại 2 trong các thành phố lớn. Con cái của họ tiếp cận các dịch vụ công liên quan đến giáo dục và y tế hết sức khó khăn, trong không ít các trường hợp là gần như không thể tiếp cận được. Đó là chưa nói tới những đòi hỏi về thủ tục gần như tước bỏ các quyền cơ bản của con người, ví dụ như muốn đăng ký ô tô thì phải có hộ khẩu. Hay, những quy định mang tính thách đố đối với người dân như kiểu “muốn được mua nhà thì phải có hộ khẩu, mà muốn có hộ khẩu thì phải có nhà”.
Thực ra, sổ hộ khẩu là công cụ được sinh ra để quản lý công dân theo nơi cư trú và để xác thực quan hệ thân nhân. Trong thời đại công nghệ số, một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn có thể đảm nhận các chức năng trên và đảm nhận hiệu quả hơn. Đó là chưa nói tới những lợi ích to lớn mà cơ sở dữ liệu này có thể mang lại cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển đất nước. Như vậy có thể nói, bỏ sổ hộ khẩu là mệnh lệnh của thời đại số.
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó là việc cung cấp thẻ căn cước với mã số định danh cho từng công dân cũng phải nhanh chóng được hoàn thành.