Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ mía mới 2015- 2016 trong niềm vui được mùa, được giá. Hiện thương lái thu mua mía nguyên liệu tại ruộng với giá 950 - 1.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 200 đồng/kg. Đây là mức giá đảm bảo cho người trồng mía có lãi…
Nông dân phấn khởi
Huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) là nơi thu hoạch mía sớm nhất ở khu vực ĐBSCL. Những ngày này nông dân phấn khởi khi mía đầu vụ được giá và dễ tiêu thụ. Ông Lê Văn Gàn, ngụ ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, mừng rỡ: “Vụ này gia đình tôi trồng 7 công mía giống GOC 16, hiện nhiều thương lái tới hỏi mua với giá 970 đồng/kg. Thấy có lời nên tui bán hết và thu tiền ngay, lợi nhuận được hơn 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí”. Cùng niềm vui trên, ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Đã lâu lắm rồi, nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp mới được nở nụ cười trở lại, nhờ thương lái và các nhà máy tất bật mua mía”. Theo ông Hiền, liên tục 3 năm trước chuyện bán mía thật sự là nỗi ám ảnh đối với nông dân Phụng Hiệp cũng như nhiều nơi khác. Nguyên nhân do giá mía thấp, rồi bị thương lái chê không mua, bị nhà máy hạ chữ đường bởi chất lượng không đạt khiến nông dân thua thiệt trăm bề. Bây giờ mọi việc đã được cải thiện và nông dân muốn bán mía lúc nào cũng được, giá cả rất tốt.
Vận chuyển mía nguyên liệu về Nhà máy đường Vị Thanh - Hậu Giang để chế biến
Chỉ chúng tôi ruộng mía vừa mới bán với giá 1.000 đồng/kg, ông Trần Văn Xuân, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, bộc bạch: “Nhờ cây mía được giá nên nông dân tập trung chăm sóc chu đáo, vì thế năng suất đạt rất cao, tới 170 tấn/ha. Nếu 3 - 4 vụ trước trắng tay thì vụ này gia đình có lãi 30 triệu đồng/ha, đủ trang trải cuộc sống”. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, toàn huyện có 7.805ha mía. Những ngày qua, nông dân các xã đã thu hoạch khoảng 1.000ha và đang tiếp tục thu hoạch cao điểm trong tháng này và tháng sau. Năm nay nhờ lũ nhỏ nên nông dân không còn lo “đốn mía chạy lũ” như những năm trước. Vì vậy, bà con có điều kiện đầu tư nhằm tăng chữ đường trong cây mía tăng cao và bán được giá hơn.
Ổn định vùng nguyên liệu
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường cát trên thị trường đang dao động 13.000 - 14.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.500 đồng/kg. Cũng nhờ giá đường ở mức cao nên các nhà máy đã nâng giá mua mía nguyên liệu tăng theo hướng có lợi cho nông dân. Cũng theo hiệp hội, trong 9 nhà máy đường ở ĐBSCL, đến cuối tháng 9 đã có 4 nhà máy hoạt động, dự kiến trong tháng 10 này, cả 5 nhà máy còn lại sẽ đồng loạt vào vụ mới. Như vậy, lượng mía thu mua tới đây sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), nhìn nhận: “Dù giá mía đầu vụ khá cao nhưng vài ngày qua, nhà máy tiếp tục nâng giá mua mía nguyên liệu lên mức 1.050 - 1.100 đồng/kg. Với giá này, các nhà máy chế biến đường gần như không có lãi, nhưng vẫn phải mua bởi thời gian qua nhiều nơi giảm diện tích trồng mía, dẫn tới nguy cơ thiếu nguyên liệu hoạt động của các nhà máy”.
Theo ước tính, vụ này ở tỉnh Hậu Giang đã giảm khoảng 1.500ha mía so vụ trước; huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng giảm hơn 800ha; ở Cà Mau, Trà Vinh, Long An… hàng loạt diện tích mía bị phá bỏ để trồng cây khác. Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, trăn trở: “Do mấy năm rồi cây mía giá thấp quá, nông dân thua lỗ kéo dài nên bỏ mía. Trong 3 năm gần đây, diện tích mía từ 8.200ha đã giảm còn 6.600ha và mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của huyện đến năm 2020 là ổn định 6.500ha mía. Nếu các nhà máy đường không đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu, bao tiêu đầu ra, duy trì giá ở mức cao… thì cây mía sẽ tiếp tục bị con tôm và các loại cây con khác lấn át. Một khi diện tích mía đồng loạt giảm, các nhà máy đường sẽ lâm nguy vì không đủ nguyên liệu hoạt động”. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, để cây mía được giá thì sản phẩm đường trên thị trường cần có giá tốt. Thế nhưng giá đường cao hay thấp, bán nhanh hay chậm… còn do thị trường quyết định. Cái khó của các nhà máy đường trong nước là chi phí sản xuất còn cao, cơ chế về nhập khẩu và xuất khẩu đường chưa nhất quán; lo ngại nhất là đường cát Thái Lan nhập lậu vào nước ta rất lớn và bán giá thấp sẽ “đè” đường nội. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, cần nhanh chóng giải quyết thấu đáo để phát triển căn cơ ngành mía đường.
NGUYỄN THANH