(SGGP).- Đến hôm qua (13-8), bão số 7 (Utor) đã có sự đổi hướng, di chuyển lệch về phía Tây Tây Bắc. Chiều và tối qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19 độ vĩ Bắc và 113,9 độ kinh Đông, đạt cấp 13-14.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hôm nay 14-8, bão số 7 sẽ mạnh lên cấp 14-15 và đổ bộ vào đất liền của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), rồi tiếp tục đi sâu vào vùng Quảng Tây (Trung Quốc). Sau khi đi vào tỉnh Quảng Tây, bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục có sự đổi hướng, di chuyển lệch về phía biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Tuy nhiên, hoàn lưu bão vẫn gây ảnh hưởng mạnh tới vịnh Bắc bộ và thời tiết của Việt Nam. Từ hôm nay, khu vực vịnh Bắc bộ sẽ có gió cấp 6-7. Ông Lê Thanh Hải nhận định, do bão có sự di chuyển lệch Bắc nên cấp độ gió không mạnh, khả năng gây sóng biển lớn rất ít. Song, khu vực Móng Cái, Quảng Ninh cần đề phòng dông tố, lốc vào đêm 14-8 do ảnh hưởng gió bão.
Do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 7, từ đêm 15-8 khu vực Đông Bắc bộ, vùng núi phía Tây Bắc bộ, đồng bằng và trung du Bắc bộ sẽ bắt đầu có mưa. Trong đó, vùng núi phía Bắc mưa phổ biến từ 200 - 300mm, vùng đồng bằng trung du phía Bắc mưa phổ biến từ 100mm. Mưa kéo dài tới tận ngày 18-8 mới chấm dứt. Khu vực Hà Nội, lượng mưa khoảng 50 - 60mm, chỉ có thể gây ngập nhỏ, cục bộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cảnh báo, một số vùng mưa cục bộ, lượng mưa có thể vượt mức 300mm, nên không thể chủ quan. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng cần cấm biển trong ngày 14-8, đặc biệt lưu ý với tàu vận tải và tàu du lịch.
Trong ngày hôm qua, hồ Thác Bà đã xả lũ với dung lượng 400m³/giây, hồ Hòa Bình xả một cửa đáy để giảm bớt lưu lượng nước ở lòng hồ.
* Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại tỉnh Quảng Ninh, chiều qua ở đây vẫn chưa ra lệnh cấm biển tránh bão. Thời tiết vẫn còn đẹp, nắng nóng. Đến tận chiều và tối qua 13-8, hàng trăm tàu, du thuyền chở khách tham quan vịnh Hạ Long vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng, các làng chài về việc bắt đầu cấm biển từ sáng 14-8 để đảm bảo an toàn.
Đến 13-8, gần 300 phương tiện tàu thuyền của huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng đi của bão số 7 và neo đậu vào nơi an toàn. Dự kiến, đến hết ngày 14-8, còn khoảng 200 tàu, thuyền sẽ được di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn. Chính quyền địa phương cũng căn cứ diễn biến của bão và tình hình thời tiết biển để quyết định dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khi có lệnh cấm của Cảng vụ Hàng hải thì sẽ không có tàu ra và toàn bộ tàu của Cô Tô sẽ về đất liền”.
Tại tỉnh Nam Định, Bộ đội Biên phòng đã thông báo cho hơn 2.000 tàu, thuyền với hơn 11.000 lao động đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão số 7 để chủ động phòng tránh. Đến thời điểm này, tại tỉnh Thái Bình, gần 1.200 phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về diễn biến của bão số 7 và di chuyển tránh khỏi khu vực nguy hiểm.
* Ngày 13-8, trước ảnh hưởng của cơn bão số 7, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Bắc bộ và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc ở khu vực miền Bắc và miền Trung yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế, các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất cần lên kế hoạch chủ động ứng phó.
VĂN PHÚC - KHÁNH NGUYỄN