- Dự báo trưa 19-10, bão số 7 đổ bộ vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng
- Kêu gọi hàng ngàn tàu thuyền vào bờ tránh bão
- Chung tay hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt miền Trung
Chiều 18-10, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia cho biết, mặc dù tâm bão số 7 (Sarika) đã đổi hướng, đi dọc vịnh Bắc bộ hướng vào khu vực giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng đây là cơn bão có đĩa mây ảnh hưởng rộng từ tỉnh Thanh Hóa đến tận Móng Cái - Quảng Ninh, gây mưa to cho Bắc bộ. Khoảng trưa 19-10, tâm bão đi vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng.
Đường đi của bão số 7
Quảng Ninh, Hải Phòng trong tâm bão
Để chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 7, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, chiều 18-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp có mặt tại các điểm xung yếu của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh để chỉ đạo các địa phương thực hiện những giải pháp ứng phó với hậu quả bão số 7. Qua thị sát tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo, chính quyền TP Hải Phòng tích cực, chủ động phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc bộ vào nơi trú tránh; hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền đã về đất liền neo đậu đảm bảo an toàn; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cấm biển, kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch. Các địa phương tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.
Người dân neo giữ tàu thuyền để tránh bão
Chiều và tối 18-10, sau khi đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị ứng phó bão số 7 tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh để chỉ đạo các biện pháp chủ động ứng phó mưa bão. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng tuyệt đối không được chủ quan và không bị động. Phó Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng đảm bảo an toàn cho tuyến đê Cát Hải và Đồ Sơn. Các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng nằm trong tâm bão đi qua cần chủ động hướng dẫn bà con chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện…
Khẩn trương chuẩn bị đón bão
Do ảnh hưởng bão, các chuyên gia dự báo khí tượng - thủy văn lo ngại một đợt mưa lũ kỷ lục như năm 2015 có thể tái diễn tại tỉnh Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, để giảm thiểu những rủi ro thiệt hại và chủ động phòng tránh bão, đặc biệt mưa lũ sau bão, đến chiều 18-10, Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt hoạt động chuẩn bị chống bão. Tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô, Vân Đồn… đã kêu gọi và thông báo cho toàn bộ 7.663 tàu, thuyền công suất nhỏ hơn 90CV và 416 tàu công suất trên 90CV về thông tin bão, đưa về nơi tránh trú bão an toàn; toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản đều được chằng chống, người dân sinh sống trên các lồng bè được đưa về đất liền. Tại TP Hạ Long và Cẩm Phả, các doanh nghiệp và đơn vị khai khoáng đã tổ chức kiểm tra, tiêu thoát nước, lập phương án chống úng ngập tại các hầm mỏ khai thác than và khu dân cư.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thống kê đến chiều 18-10, có 423 khách du lịch bị kẹt tại đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu đã được bộ đội biên phòng đưa về bờ. Hiện còn 15 khách du lịch có nhu cầu ở lại (trong đó huyện Vân Đồn có 7 du khách nước ngoài, còn lại 8 khách trong nước lưu trú ở Cô Tô) đã được sắp xếp bố trí nơi ăn ở tránh bão. Tại khu vực TP Hạ Long, toàn bộ 534 tàu du lịch đã buộc tạm ngừng hoạt động vào sáng 18-10 để di tản vào sâu cảng Cái Lân tránh trú bão. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động 2.300 bộ đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ… đóng trên địa bàn, sử dụng 40 máy gặt đập để tổ chức giúp bà con nông dân tại các thị xã Đông Triều và Quảng Yên, TP Uông Bí thu hoạch xong 17.000ha lúa mùa trước khi bão tới. Lực lượng CSGT đường thủy tỉnh Quảng Ninh cũng đã đồng loạt ra quân tuyên truyền sơ tán bà con sống tại các chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long lên bờ, hỗ trợ bà con chằng chống, buộc dây, gia cố các lồng bè thủy sản.
Lực lượng vũ trang TP Hải Phòng giúp nhân dân thu hoạch lúa sớm chạy bão
Còn theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, trong ngày 18-10, Hải Phòng đã dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để tổ chức các đoàn xuống cơ sở chỉ đạo chống bão; huy động lực lượng quân sự, biên phòng giúp dân gặt lúa. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng chấp thuận cho công nhân nghỉ làm để về gặt lúa chạy bão. Hiện đã kêu gọi được 3.347 tàu thuyền vào nơi trú ẩn; thu hoạch xong 22.000ha lúa trong tổng số 45.000ha.
Cùng ngày, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển sử dụng các phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh để kêu gọi gần 2.000 phương tiện tàu thuyền của địa phương này và các tỉnh, thành lân cận vào bờ tránh trú bão số 7.
Để bảo đảm an toàn, Vietnam Airlines cũng đã thông báo dừng khai thác toàn bộ 14 chuyến bay đến/đi từ Hải Phòng trong ngày 19-10.
Bão Hải Mã (Haima) được cảnh báo là “hung bạo” Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong ngày 19-10, tâm bão số 7 sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc rồi đổi sang hướng Tây - Tây Bắc, sau khi lướt dọc bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ đi vào đất liền thuộc phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhưng sát khu vực Móng Cái - Quảng Ninh. Từ đêm 18 đến hết đêm 19-10, bão gây mưa vừa, mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn có cường độ mưa cả đợt là 200-300mm. Trong khi đó, chiều 18-10, các đài dự báo khí tượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, siêu bão Haima (tên tiếng Việt là Hải Mã) sẽ phát triển từ cấp độ rất mạnh lên “hung bạo” (violent). Hiện cơn bão này đang di chuyển với vận tốc tới 30km/giờ theo hướng Tây - Tây Bắc, có thể đổ bộ vào biển Đông sau khi cơn bão số 7 suy yếu. |
NHÓM PHÓNG VIÊN