* 25 người thiệt mạng và mất tích do bão số 2
* Hà Giang: Sạt lở vùi lấp 7 nạn nhân
(SGGP).- Tính đến chiều 21-7, mực nước lũ trên các sông như Ka Long (Móng Cái - Quảng Ninh), Kỳ Cùng (Lạng Sơn) và một số nơi đã xuống, người dân cũng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão, trở lại buôn bán, sinh hoạt bình thường. Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, để đối phó với mưa lũ sau bão, các tỉnh ở miền núi phía Bắc đã chủ động rà soát, di dời dân tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối. Tổng cộng đã sơ tán, di dời hơn 5.500 hộ dân trong 3 ngày qua tại nhiều tỉnh gồm: Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ.
Tuy nhiên, hoàn lưu mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Con số thương vong do bão và mưa lũ vẫn chưa dừng lại. Tính đến chiều 21-7, đã có ít nhất 25 người chết và mất tích (tăng thêm 16 người so với số liệu thống kê ngày 20-7). Trong đó, Lạng Sơn 5 người, Lai Châu 6 người, Lào Cai 3 người, Cao Bằng 1, Bắc Kạn 1, Sơn La 1 và Tuyên Quang 1 người. Đáng tiếc nhất là tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), mưa to đã gây sạt lở đất vùi lấp 7 người, làm những người này tử vong tại chỗ, trong đó có 1 trẻ em mới 10 ngày tuổi. Ông Sèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, khoảng 3 giờ sáng 21-7, tại đội 3 thôn Thiêng Rày thuộc xã Nàng Đôn có 3 hộ gia đình bị sạt lở taluy dương làm sập nhà. Trong đó có 2 nhà bị lấp 5 người (4 người lớn và 1 trẻ em) cùng toàn bộ tài sản trong nhà. Mưa lũ cũng làm sạt lở đất, vùi lấp 2 người tại lán công trường làm đường từ xã Hồ Thầu đi Nàng Đôn. Đến cuối giờ chiều 21-7, toàn bộ 7 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở đất đã được tìm thấy. Không chỉ thiệt hại về người, mưa lũ còn làm sạt lở đất của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thèn Chu Phìn, Nậm Ty, Pố Lồ, Đản Ván, Hồ Thầu...
Trong ngày hôm qua, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã hoãn nhiều cuộc họp để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Huyện đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ gồm bộ đội, công an xuống phối hợp với các xã, cùng với các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân.
Trong khi đó tại TP Móng Cái, nơi nằm gần tâm bão đi qua, các hoạt động sinh hoạt và thương mại đã dần ổn định trở lại, chợ Móng Cái đã mở cửa, người dân cũng dọn dẹp xong đổ nát. Tại TP Lạng Sơn, nước lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về do mưa lớn. Hậu quả, nhiều hộ dân và khu dân cư vẫn còn chìm trong nước. Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Lạng Sơn, mực nước sông Kỳ Cùng đã vượt báo động 3 gần 1m. Theo báo cáo, tại 10 điểm ngập lụt ở địa bàn TP Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã huy động 5.300 công an, quân đội, dân quân, cán bộ, thanh niên xung kích tiếp tục ứng cứu, hỗ trợ bà con di dời người và tài sản về nơi an toàn đồng thời nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Số liệu tổng hợp từ Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, đến nay đã có gần 6.000 ngôi nhà bị ngập tại các tỉnh như Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Kạn... Trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn là 5.800 ngôi nhà. Ngoài ra, còn hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái do lốc, bão. Toàn khu vực miền núi phía Bắc có hơn 3.500ha lúa, hoa màu bị ngập đổ. Nhiều tuyến giao thông tại các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La bị chia chắt do ngập úng và sạt lở đất. Tại Sơn La, mưa lũ liên tục trong 2 ngày 20 và 21-7 đã cuốn trôi, ngập 156ha lúa, 6 con trâu bò, 500m kênh mương. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu của riêng tỉnh này khoảng 30 tỷ đồng. Còn theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, thiệt hại trong đợt bão số 2 tại nhiều địa phương đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đến chiều 21-7, các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh đã khắc phục xong sự cố mất điện nhưng một số nơi cục bộ của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang… vẫn còn bị mất điện.
VĂN PHÚC
>> Mưa lũ sau bão Thần Sấm - Miền Bắc bị thiệt hại nặng