Cải dưới xuôi nhiều loại, nhớ không hết tên. Nhưng với cải ngồng Mông “gặp” một lần, nhớ khó quên. Người lên rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) dịp trước tết thường tìm đào Mông rinh về, còn tôi phải “tầm” cho được cải ngồng Mông rước xuống...
Ông bà mình nói “cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ”, là nói về cải ngồng xuôi, với cải ngồng Mông thì… Chao ôi! Thú gì bằng cùng gái một con ngồi bên nồi cơm chín tới ngào ngạt khói, gắp cọng cải ngồng Mông chấm vào bát trứng gà tơ dầm xì dầu… Và, ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận không chỉ có cải ngồng Mông…
Sản vật đặc trưng của người Thái
Mình xốn xang với cái cách người rẻo cao xuống chợ sắm tết. Mẹ gùi rau củ quả, bố cắp nách con lợn nít, chị lớn địu em nhỏ, mấy đứa nhơ nhỡ thì ôm gà. Nhìn những đứa bé ôm gà với vẻ mặt đầy háo hức, tôi lại nhớ những buổi chợ xưa, mẹ mua cho bức tranh Đông Hồ có thằng bé bụ bẫm ôm con gà trống đem về treo tường đón tết. Những chuyến đi cả gia đình thường là những chuyến đi lo cho cái tết, theo cách của người vùng cao - bán cái của mình cho người khác, mua cái của người khác cho mình.
Có lần đến chợ Huồi Tụ (Kỳ Sơn) - nơi tập trung mua bán của đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái,... tôi đã bị ngợp giữa những đặc sản nơi đây. Này là cải ngồng Mông, xu le, dong diềng, rồi khoai sọ, gà đen… Thích con mắt nhưng tiếc và thương người dân vùng này quá. Toàn là đặc sản, nhưng bán tại chợ Huồi Tụ giá thấp. Như gà đen chẳng hạn, bán tại đây cao nhất chỉ được 180.000 đồng/kg, nhưng đem xuống thị trấn Mường Xén sẽ bán được giá ít nhất cũng cỡ 200.000 đồng. Nhưng người dân trong vùng không thể đem gà và các thứ khác xuống bán, vì “không có cái xe, chỉ có cái chân thôi!”.
Ông Cụt Phò Dương, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, bảo: “Ngày xưa, người vùng mình, người Mông, ăn tết trước người dưới xuôi một tháng. Nhưng nhiều năm nay cùng ăn tết với người dưới xuôi rồi”.
Ở đất Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông,… từ cái hạt mắc khén bé tí ti, đen bồ hóng cũng đã làm nên sản vật. Lên với đất này là đến với “xôi đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui”. Đến đây để thấy bộ râu con cá lăng dòng Nậm Nơn tủa ra đầy kiêu hãnh, để chòm chèm mãi một ngấn thịt chạch khe kho nghệ trên lùm cơm nóng…
Có lần lên Kỳ Sơn nghe kể con cá chình ở vùng này khi còn ở trong khe nó kêu như tiếng mèo kêu. Vì tiếng nó lạ nên thịt nó ngon (?!). Rồi lạ mà không lạ nữa là gà đen. Không hiểu sao gà đen chỉ phát triển tốt trên vùng cao. Khi đưa gà xuống vùng thấp thì chúng khó sinh sôi được. Rồi đặc sản xoài Tương Dương. Nghe bảo xoài này ngon nhất là ở vùng từ Hòa Bình xuôi Thạch Giám, quả không chín từ ngoài vào mà chín từ trong ra.
Tôi nhớ lần lên Na Ngoi, lên núi Phu Xai Lai Leng, gặp Đại tá Vi Hiểu - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4. Anh say sưa kể về cá hồi, chè Shan Tuyết, miến dong, hoa ly,… Hoa ly và miến dong thì mình đem về xuôi quảng bá trong… gia đình. Còn chè Shan Tuyết uống ở ngay lưng chừng núi Phu Xai Lai Leng - ngọn núi cao 2.720m so với mực nước biển là thú nhất. Ngồi trong nhà có sương mù luồn vào cuốn lấy người. Lấy vốc chè Shan Tuyết bỏ vào ấm nóng hổi, ngồi nhấm nháp để được tận hưởng cái chan chát, đăng đắng, the the và thấy người như được hun nóng từ bên trong giữa cái rét lạnh tê người.
Cứ vào độ se se lạnh, gió heo heo về là mình lại muốn ngược lên Quỳ Châu, Quế Phong. Nhiều khi đi chẳng phải để làm gì, chỉ đơn giản mua đôi bó hương trầm Quỳ Châu về thắp tết và mong lại được “thăm tay” (bắt tay). Được người lớn tuổi “thăm tay”, bạn “thăm tay” và con gái “thăm tay”. Ở đất Quế Phong con gái Mường Quàng nổi tiếng đẹp. Không biết có phải các cô gái được uống nước, được tắm trên dòng Nậm Quàng? Không giải thích được, nhưng cứ gặp là muốn được “thăm tay”. Một chén rượu, “thăm tay” một cái. Một câu hỏi, thăm một chén.
Cái cách người Thái hòa mình thật lạ. Hòa mình người với người, hòa mình với thiên nhiên. Cứ đơn giản như cái món canh ột; nấu với thịt gà đã ngon, mà nấu với cá sông tôm suối lại càng ngon. Phụ nữ xuống suối, bắt những con ăn được như cá, tôm, cua,… đem về nấu cùng gạo nương đã ngâm và giã nhuyễn thành bột. Đàn ông ra vườn hái các loại rau mang lên. Tất cả được ăn “ghém” với nhau, quyện hòa nhau.
Bên nồi canh ột, chén rượu thơm lại có thêm món canh cá rô mà người Thái bảo là “cá cười”, vừa ăn vừa ngâm nga: “Ăn canh cá cười/nấu với hoa chuối rừng/ăn xong trăng lên…”. Trăng lên nhưng người phải xuống. Và mỗi lần lên lại đất này lòng tôi như xôi trong “ẹp”. Dù xôi đã lấy ra khỏi chõ, nhưng được ủ trong “ẹp” thì vẫn ấm và sẽ ấm lên khi đến tay người… Tôi bỗng nhớ “ai noọng ơi”!
Duy Cường