Những đợt nắng gắt kéo dài đang diễn ra đầu mùa khô tại miền Trung đang báo hiệu những đợt hạn hán khốc liệt. Để đảm bảo nước tưới vụ hè - thu sắp bắt đầu, ngành nông nghiệp các tỉnh này đã bắt đầu lên kịch bản chống hạn cho cây trồng, gia súc...
Mực nước giảm
Năm nay, dù đã xuất hiện những trận mưa nhưng với lưu lượng không đáng kể, mực nước trên các sông đã bắt đầu giảm, ảnh hưởng đến việc tích nước tại các hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ở Quảng Ngãi, sông Vệ, Sông Trà Khúc bắt đầu cạn tới đáy. “Trong khi đó các hồ thủy trên địa bàn cũng chỉ mới tích nước được khoảng 70% khối lượng. Như vậy, những diện tích sản xuất nằm cuối các mương dẫn nước sẽ không có nước, đặc biệt vào cuối vụ sản xuất. Hai huyện Bình Sơn, Đức Phổ trở thành những trọng điểm hạn các năm trước, mùa khô này cũng không loại trừ” - ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi nhận định. Cũng theo ông Hường, để đối phó với tình hình hạn hán, ngay từ vụ đông - xuân trước, trên 370ha diện tích sản xuất đã được ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con chủ động chuyển đổi từ việc trồng lúa nước, các loại cây màu qua trồng mía, sắn… để có thu nhập, tránh bỏ hoang đất sản xuất.
Trong khi đó, đại diện ngành NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị cho biết đã chỉ đạo các huyện hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất ngay khi thu hoạch lúa đông - xuân 2012, hoàn thành việc gieo cấy vụ hè thu vào đầu tháng 6-2012 (sớm hơn mọi năm nửa tháng); ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày để đối phó với hạn hán và nhiễm nặm khi cây lúa bén rễ, đẻ nhánh. Vụ hè thu 2012 dự định gieo cấy 27 ngàn ha lúa các loại, Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống tiêu thoát nước, trong đó đập Thảo Long cuối nguồn sông Hương, hạn chế tối đa việc mở cửa van khi nông dân bắt tay vào gieo cấy để giữ nguồn nước ngọt, hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm nhập năm từ nước biển.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn cần xả nước ngay khi có yêu cầu của Sở NN-PTNT. Tối đa bằng lưu lượng nước đến các lòng hồ thuỷ điện. Sở Công thương cho rằng, với Nhà máy thủy điện Hương Điền, công trình chỉ cần xả nước qua cửa số 3 với công suất khoảng 5-6m³/giây sẽ đảm bảo nhu cầu lượng nước sản xuất vụ hè – thu vừa không ảnh hưởng nặng đến việc tích nước của nhà máy.
Ngay từ đầu tháng 5-2012, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã triển khai xây dựng Xây dựng phương án chống hạn năm 2012 và lập kế hoạch dùng nước đảm bảo tưới tiết kiệm nhất ngay trong vụ hè thu. Đối với những chân ruộng thấp trũng, ngành nông nghiệp ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như: Khang dân, TH5, ĐV108, HT1, Iri352... Giống ngắn ngày có khả năng miễn dịch tốt các loại bệnh hại lúa và cho chất lượng gạo tốt hơn lúa dài ngày từ 500 - 1.000 đồng/kg nhưng năng suất vẫn đạt 60 tạ/ha, tăng 1 - 2tạ/ha.
Xâm nhập mặn
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến mạch nước ngọt ngầm tụt sâu, nước mặn đã xâm nhập sâu vào vùng hạ lưu sông Hàn, sông Yên. Tại khu vực nhà máy nước Cầu Đỏ (Dawaco) - nơi cung cấp nước sinh hoạt toàn TP Đà Nẵng - mực nước xuống thấp và nhiễm mặn, nước đục bất thường. Nhiều gia đình phải thức đêm hứng nước mới đủ dùng ngày hôm sau. Không những thế, nước hơi đục cộng với vị lờ lợ khiến nhiều người dùng bất an.
Ông Ông Văn Mỹ, Trưởng phòng Điều độ Dawaco cho biết lúc triều cường độ mặn đo được tại điểm lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lên đến 500mg/lít. Vì vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, Nhà máy nước Cầu Đỏ ngừng lấy nước từ sông Cẩm Lệ. Để bù vào nguồn nước thiếu hụt này, Dawaco đã bơm khoảng 160.000m³ nước tại trạm bơm An Trạch chuyển về bể nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ để dự phòng. Hiện Nhà máy nước Cầu Đỏ có 2 bể chứa với tổng dung tích 20.000m³. Lượng nước này chỉ đủ để cung cấp cho thành phố khoảng trong 3 giờ. Bên cạnh đó, Dawaco tăng khả năng cung cấp nước sạch từ trạm cấp nước Sơn Trà lấy nguồn nước từ suối Sơn Trà với tổng công suất bình quân gần 150.000m³/ngày đêm. Tuy nhiên, theo ông Mỹ, đây cũng là biện pháp tình thế, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không bao lâu nữa nguồn nước từ trạm bơm An Trạch sẽ cạn kiệt.
Hiện Dawaco đang đề nghị các ngành chức năng TP Đà Nẵng có biện pháp can thiệp, yêu cầu các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (đặc biệt là thủy điện Đắk Mi 4) phải xả nước với lưu lượng 25m³/giây như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như thế mới đẩy mặn ra khỏi khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ, đảm bảo cung ứng nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân Đà Nẵng. UBND TP Đà Nẵng đã họp bàn về vấn đề cung cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Liên Chiểu và khu dân cư phường Hòa Hiệp Bắc phía Bắc cầu Nam Ô (quận Liên Chiểu). Theo đó, sẽ mở rộng và nâng công suất nhà máy nước dưới chân núi Hải Vân, khu vực suối Lương từ 800m³/ngày đêm lên khoảng 7.000m³/ngày đêm.
| |
Hà Minh - Nguyễn Hùng - Văn Thắng