Miền Trung: Biển tấn công đất liền

Miền Trung: Biển tấn công đất liền

Tình trạng bờ biển bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở hầu hết các địa phương ở miền Trung, uy hiếp đến tài sản và tính mạng của hàng trăm hộ dân. Trong khi chờ các ngành chức năng loay hoay tìm giải pháp khắc phục thì người dân sống trong nỗi sợ hãi.

        Xâm thực nghiêm trọng

Tuyến đường ven biển Hoàng Sa được xem là tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nên được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng, tạo cảnh quan. Thế nhưng, chỉ qua cơn bão số 11 hồi giữa tháng 10-2013, mặt đường phẳng lì, bờ biển với cát trắng trải dài ngút mắt trước đây đã biến thành cảnh tượng hoang tàn, đổ nát. Những bãi cát trắng chạy dọc theo tuyến đường này với chiều ngang từ 50 - 70m giờ đã biến mất, nước biển tấn công vào tận mép đường. Tuyến đường dài hơn 3km này đã bị sóng biển và triều cường ăn sâu vào tận 3 - 4m, có nơi trên 5m, tạo thành những hàm ếch sâu hoắm.

Ông Lê Văn Bảy, nhà ở sát bờ biển, cho biết: “Tôi sống đã hàng chục năm ở đây nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng xâm thực bờ biển nghiêm trọng như hiện nay. Sau cơn bão số 11, tuyến đường đã bị đánh tơi tả, tiếp ngay sau đó là cơn bão số 12 đã làm cho tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng hơn. Nhiều nơi biển xâm thực vào đến hơn 15m, tuyến đường ven biển này có nguy cơ bị cắt đứt và hàng trăm hàng quán, hộ dân có nguy cơ bị kéo xuống biển bất cứ lúc nào”.

Ngược lên hướng quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), bờ biển tại tổ 4 và 5 phường Hòa Hiệp Bắc đã xâm thực sâu vào đất liền mấy ngày trước khi có bão hơn chục mét. Và tình trạng này đã trở nên nghiêm trọng hơn sau cơn bão số 11.

Tình trạng biển xâm thực đang xảy ra nghiêm trọng trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Tình trạng biển xâm thực đang xảy ra nghiêm trọng trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Tại Thừa Thiên - Huế, khu vực bờ biển làng Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, huyện Hương Trà), ngôi làng vào loại cổ nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 400 năm sắp mở ra một cửa biển mới thông vào phá Tam Giang. Hoàn lưu gió bão số 11 gây triều cường trên 1,5m, sóng biển lớn tràn qua làm sạt lở sâu vào 10m, rộng 4m trên đoạn bờ biển dài khoảng 200m. Chỉ tay về phía những con sóng bạc đầu dồn dập “ngoạm” từng mảng đất ven biển, tạo thành cái lõm hình chữ C khổng lồ, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết, biển động dữ dội, sóng biển vẫn lồng lộn tấn công doi đất hình chữ C dài khoảng 200m ngăn biển với phá Tam Giang. Một cửa biển mới nguy cơ vỡ toang khi phá Tam Giang và mặt nước biển cách nhau chưa đầy 10m. Cửa biển mở ra không chỉ nhấn chìm hàng trăm nhà của làng Thai Dương Hạ Nam mà còn đảo lộn môi trường, nguy cơ xóa thế mạnh nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang rộng lớn nhất Đông Nam Á. Ông Liêm cũng cho biết, bất chấp mưa tầm tã cộng sóng biển đánh đập tóe tung trước khi bão số 11 đổ bộ, người dân địa phương vẫn nỗ lực sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Thuận An vác từng khối đá hộc hàn vá đoạn bờ biển sạt lở.

        Nguy hiểm chực chờ

Tình trạng biển xâm thực và sạt lở đã xảy ra từ nhiều năm qua tại làng Thai Dương Hạ Nam khiến tính mạng và tài sản của 160 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở xóm Ghềnh và Cồn Đâu lơ lửng treo miệng hà bá. Cứ mỗi lần nghe thông tin áp thấp nhiệt đới hay bão lũ là chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp các hộ trong ngôi làng này. Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xâm thực bờ biển nên tỉnh sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng hai tuyến bờ kè (phía bờ Bắc thuộc khu vực biển làng Thai Dương Hạ Nam và phía bờ Nam thuộc khu vực bờ biển Thuận An). Nhưng dự án này đang gặp khó vì với số vốn trên 20 tỷ đồng thì tỉnh không biết tìm đâu ra. Cũng theo ông Hùng, ngoài vị trí xâm thực tại làng Thai Dương Hạ Nam, hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm khác bị sạt lở bờ biển, như: xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang bị sạt lở 4km; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà bị sạt lở 1km; xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc bị sạt lở 2km… sâu vào 5 - 10m. Hiện chính quyền địa phương mới chỉ tiến hành gia cố bằng rọ sắc chèn đá phủ vải để hạn chế tình trạng biển xâm thực “ngoạm” đất liền và nhà cửa người dân ven biển. Lâu dài phải chờ kinh phí Trung ương hỗ trợ để xây dựng kè kiên cố bằng bê tông cốt thép.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, trong cơn bão số 11 tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, khiến tuyến đê cát chắn sóng bị vỡ 5 đoạn với chiều dài hơn 1,5 km. Trong đó, tuyến kè Hậu Kiên, thị xã Quảng Trị hư hỏng hoàn toàn trên 30m cần xử lý khẩn cấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình cũng như các hộ dân trong khu vực. Riêng đoạn kè từ khu phố 5 thị trấn Cửa Việt đến xã Gio Việt thuộc huyện Gio Linh đã bị vỡ khoảng 3,2 km. Hiện mức nước biển đã ngập đoạn kè trên và ngập đoạn vỉa hè ở cầu Cửa Việt.

Trở lại Đà Nẵng, tình trạng biển xâm thực mạnh trong cơn bão số 11 vừa qua tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã khiến ngôi nhà khung sắt, mái tôn của đơn vị thi công kè chắn sóng tại Kho Xăng dầu K83 quân đội đã bị đánh sập nằm chỏng chơ sát mép bờ biển. Hàng chục ngôi nhà dân cũng bị sóng biển tiến sát chân tường. Hàng trăm người dân trong khu vực đang bị đe dọa đến tính mạng.

Theo UBND phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), tình trạng biển xâm thực, ăn sâu vào tuyến đường từ 2 - 3m trước mắt gây khó khăn cho ngư dân vì không thể đưa thuyền thúng xuống biển để làm ăn sinh sống và nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm hộ gia đình cũng như gần 50 nhà hàng hải sản ven biển. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, để làm bờ kè tại những khu vực này phải mất đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Việc này không thể triển khai trong một sớm một chiều được do nguồn kinh phí quá lớn.

NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục