Cùng với dịch bệnh lây lan liên tỉnh trên các ao hồ nuôi tôm, người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung như ngồi trên đống lửa khi ngành chức năng chưa tìm ra nguyên nhân cá nuôi chắn sáo ở phá Tam Giang đồng loạt… nổi bụng chết sình.
Cá nuôi mắc bệnh lạ
Diện tích ươm nuôi xen ghép và chắn sáo nước lợ đầu vụ nuôi trồng thủy sản năm 2013 tại Thừa Thiên - Huế là 1.705,6ha và 1.116 lồng nuôi. Trong đó, cá dìa thả nuôi chắn sáo được khoảng 25 đến 35 ngày tuổi thì nổi bụng chết sình, người dân dùng vợt vớt không xuể. Cá dìa tên khoa học Siganus sinh nở ở vùng nước cửa sông do ngư dân đánh bắt được bán từ 5.000 - 6.000/đồng con cho người dân nuôi trồng thủy sản mua về thả nuôi. Chưa kể tiền cải tạo đầu vụ, 50 vạn cá dìa giống bị chết, thiệt hại ước tính gần 2,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ mất từ 40 - 50 triệu đồng, hộ cao nhất lên đến 150 triệu đồng.
Đem nỗi âu lo của người dân nuôi trồng thủy sản đến gặp ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thì mới hay, không chỉ cá dìa nuôi chắn sáo chết hàng loạt mà trên 273ha nuôi cao triều theo hình thức xen ghép tại địa phương bắt đầu chết rải rác.
Cùng thời điểm tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ký sinh trùng lạ cũng tấn công hàng vạn con cá kình. Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền nhận định, thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo mưa dông bất ngờ làm thay đổi độ mặn các hồ nuôi. Ngoài ra, trong hồ nuôi cũng xuất hiện hiện tượng tảo lan làm ôxy trong nước giảm đột ngột. Một nguyên nhân khác là do người dân thả nuôi với mật độ quá dày, cá ngạt oxy trong khi chất lượng con giống ngày càng kém.
Đổ nợ vì tôm chết
Vụ tôm năm 2012 được mùa, được giá nhất từ trước đến nay nên người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung phấn khởi đầu tư cải tạo ao hồ, bước vào vụ nuôi mới. Nhưng mọi kỳ vọng giờ đang phá sản khi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thả nuôi vừa rời tay đã bùng phát dịch bệnh và lây lan từ ao hồ từ tỉnh này sang ao hồ tỉnh khác. Tại các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị, hầu hết người nuôi tôm đều “cầm” sổ đỏ, tài sản… vào ngân hàng để vay hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Để thả mới một vụ tôm, người nuôi tôm phải đầu tư từ 20 đến 30 triệu đồng từ việc cải tạo, xử lý hồ cho đến mua con giống. Thế nhưng, một tháng sau khi thả tôm, người dân đã bị đẩy đến bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất vì tôm chết đỏ hồ.
Người nuôi trồng thủy sản đang cần các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây chết ở tôm, cá và có hướng xử lý hiệu quả để vừa tránh được dịch bệnh lây lan vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần hỗ trợ người dân về kỹ thuật, phương pháp xử lý hồ nuôi, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho những hộ có tôm, cá bị chết.
| |
VĂN THẮNG – CÔNG BẰNG - LAN NGỌC