Mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài bất thường những tháng cuối năm 2012 và kéo dài qua những tháng đầu năm 2013 khiến lượng nước tại các hồ chứa tại miền Trung không đạt dung tích. Trong khi đó, các hồ thủy điện vẫn phải làm nhiệm vụ sản xuất điện năng nên việc xả nước cho sản xuất nông nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Đầu năm, nông dân miền Trung đang tất bật lo chống hạn.
- Mực chứa các hồ thấp
Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), cho biết: “Năm rồi lượng mưa quá ít, các hồ đập không tích đủ nước, hạn hán cục bộ đang diễn ra, vài tháng sắp đến sẽ căng thẳng về nguồn nước ngọt”. Theo ông Đề, hồ chứa nước lớn nhất của huyện là hồ đập Bẹ chứa hơn 20 triệu m³ nước, hiện tích được 2/3 so với dung tích.
Trong khi đó, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cũng cho rằng nguy cơ hạn hán trên địa bàn huyện rất cao do các lòng sông, suối, hồ đập tiếp nhận nguồn nước giảm phân nửa so với năm ngoái, hàng ngàn hécta bắp, sắn tại các xã vùng rẻo cao đang… ngắc ngoải.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), hạn năm nay đến sớm và nguy cơ mất trắng hơn 500ha bắp, đậu phộng của địa phương đang hiển hiện. “Xã đã đề nghị xây dựng hồ chứa nước Trầm Nang để giải quyết hạn hán trước mắt trị giá 50 tỷ đồng nhưng chưa có tiền nên đành gác lại” - ông Hiền nói. Tại sông Vực Chèo chảy từ thượng nguồn về xã Xuân Trạch và Phúc Trạch đã cạn nước, người dân đang đối mặt với những ngày đầu tiên của mùa hạn.
Chung tình trạng trên, hàng ngàn hécta lúa ở huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang và vùng khu 3 thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) hạn hán đã xuất hiện từ đầu vụ. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh, lượng nước tại 14 hồ chứa lớn chỉ đạt khoảng 50% - 60%. Mực nước trên các sông thấp hơn các năm từ 0,2 - 0,3m. Theo nhận định của đơn vị này, nắng hạn sẽ diễn ra gay gắt từ tháng 6 đến 9-2013, nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp trên diện rộng là chắc chắn.
Thêm vào đó, việc chặn dòng các công trình hồ Tả Trạch khiến vùng đồng bằng Nam sông Hương thiếu nước… Cùng với việc tổ chức nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu, đơn vị quản lý thủy lợi sẽ đóng tất cả các cửa trên đập Thảo Long nhằm ngăn mặn, giữ ngọt sông Hương, phối hợp với ngành điện ưu tiên cung cấp điện kịp thời phòng chống hạn. Khoảng 27.000ha lúa đông xuân của địa phương có nhiều khả năng bị thiếu nước vào cuối vụ.
- Thủy điện sản xuất cầm chừng
Thời tiết khô hạn trên diện rộng khiến các hồ trên sông chỉ tích nước được từ 40% - 60% so với mọi năm khiến tình hình sản xuất của các nhà máy thủy điện gặp khó. Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên), lượng nước được tích tại hồ thường xuyên ở mức chết là 101m. Ngay từ đầu tháng 11-2012, nhà máy đã giảm sản lượng điện phát từ 6 – 10 giờ để giữ nước về hồ.
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ cho biết, hiện nay, lưu lượng nước về hồ bình quân chỉ 40m³/giây khiến mực nước hồ cũng chỉ quanh mức 102m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 3m, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng điện phát của nhà máy trong mùa khô năm nay. Ngoài duy trì sản xuất điện năng, thủy điện sông Ba Hạ còn phải cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hệ thống thủy nông Đồng Cam với diện tích 19.800ha và cánh đồng lúa thuộc huyện Sơn Hòa với diện tích 350ha. Do vậy, việc cung cấp nước tưới vụ đông xuân 2012 - 2013 cũng như cả năm sẽ gặp khó khăn, nhất là ở vùng có công trình thủy lợi nhỏ, công trình tạm.
Cùng chia sẻ nỗi lo lắng này, ông Phạm Văn Cúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai (đơn vị quản lý 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4) với tổng công suất 520MW bày tỏ, từ cuối tháng 10 năm ngoái đến nay, trong khu vực không có trận mưa nào. Đến cuối tháng 1-2013, mực nước về hồ Đồng Nai 3 đã giảm 5m so với mực nước dâng bình thường là 590m với lưu lượng nước về hồ chỉ từ 18-19m³/giây. Còn hồ Đồng Nai 4 điều tiết theo ngày nên phụ thuộc vào chạy máy phát điện của Đồng Nai 3. Theo chu kỳ hàng năm, trong tháng 2 và tháng 3 tới cũng không có mưa nên không có lượng nước về hồ. Trong khi đó, năm nay, thủy điện Đồng Nai 2 sẽ tích nước từ quý 1 nên mùa khô này cả hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và 4 sẽ bị thiếu hụt 200 triệu kWh.
Để đảm bảo mục tiêu chống hạn ở khu vực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động đề xuất với Cục Điều tiết điện lực tách các nhà máy có lưu lượng nước về thấp và mực nước thấp ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để điều hành tập trung từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhằm tích nước tối đa chuẩn bị cho cấp nước vùng hạ du mùa khô năm 2013. Tại tỉnh Quảng Nam, các bên đã thống nhất kế hoạch cấp nước từng đợt để bổ sung dòng chảy cho hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Trong đó, đợt 1 từ ngày 20-12-2012 đến 10-1-2013, với lưu lượng từ thủy điện A Vương là 39m³/giây, liên tục trong 24 giờ/ngày. Thủy điện Sông Tranh 2 tối thiểu 6 giờ/ngày với lưu lượng 110m³/giây. Thủy điện Đăk Mi 4 liên tục 24 giờ/ngày với lưu lượng 50m³/giây.
| |
H.MINH - M.PHONG - V.THẮNG