* Đã có 12 người chết, 4 người mất tích * Hà Tĩnh: Nguy cơ vỡ đập thủy điện Hố Hô
Thống kê chưa đầy đủ, đến chiều 4-10, mưa lũ đã làm cho hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu và hư hỏng, hàng chục tàu thuyền bị chìm. Đặc biệt, đã có 12 người chết, 4 người mất tích (Hà Tĩnh 7 người chết, Quảng Bình 3 chết và 2 mất tích, Quảng Trị 2 chết và 2 mất tích). Với tình hình mưa lũ đang hết sức phức tạp, con số thiệt hại về người và tài sản sẽ tiếp tục tăng và dân miền Trung tiếp tục phải chống chọi với lũ cao trong vài ngày tới.
Tại Hà Tĩnh, trong ngày 4-10, nước từ vùng thượng nguồn đổ về dồn dập khiến cho tình hình ngập lụt trên diện rộng ở huyện miền núi Hương Khê và huyện Vũ Quang đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều làng mạc, trường học, công trình giao thông… bị ngập chìm trong biển nước. Tại huyện Hương Khê có 5 người chết, 1 người bị thương, huyện Hương Sơn có 2 người chết.
Tại đập thủy điện Hố Hô (Nhà máy thủy điện Hố Hô có công suất 14 MW trên sông Ngàn Sâu, giữa địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh-huyện Hương Khê và Quảng Bình-huyện Tuyên Hóa) lũ đã làm hỏng 1 tổ máy phát điện, đang đứng trước nguy cơ bị vỡ đập bất cứ lúc nào (ngày 3-10 mực nước trong đập cao vượt tràn so với mặt đập gần 1m).
Tại Quảng Bình, ngày 4-10, lũ trên sông Gianh buổi sáng có xuống chậm nhưng sau đó mưa rất to khiến lũ lên lại. Đã có hơn 22.000 nhà dân tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị lũ dâng ngập.
Hiện có 8 tàu cá của ngư dân bị hỏng máy trôi dạt tự do trên biển, trong đó có 5 tàu cá với 43 ngư dân huyện Quảng Trạch.
Tại Quảng Trạch, Minh Hóa và Bố Trạch đều đã có người chết. Ngày 4-10, người dân xã Trọng Hóa (Minh Hóa) phát hiện thêm một thi thể mắc giữa sông nhưng không thể ra vớt được vì lũ đang lên rất nhanh, nước chảy xiết.
Tại Quảng Trị, một ngôi nhà ở thị trấn Khe Sanh, bị mưa lũ làm sạt lở đất hoàn toàn gây nên cái chết cho hai vợ chồng và bị thương 2 người khác trong gia đình. Đến sáng qua tìm được xác của chị Trần Thị Linh, chủ nhà dưới một đống đổ nát lớn. Riêng anh Lê Văn Tám, cán bộ Hải quan Quảng Trị, được xác định có mặt trong ngôi nhà bị sập lúc 4 giờ sáng, đến cuối ngày 4-10 vẫn chưa tìm thấy.
NHÓM PV
Minh Hóa bị cô lập
Đã 4 ngày qua huyện rẻo cao Minh Hóa (Quảng Bình) hoàn toàn bị cô lập. Hơn 4 vạn dân của huyện này đối mặt với tình trạng thiếu nước, lương thực, nơi ngủ. Hàng ngàn ngôi nhà nước dâng gần sát nóc, nhiều người buộc phải lên mái nhà ngủ ngồi qua đêm dưới trời mưa như xối nước.
Phú Minh: Căn nhà nhỏ cho 50 người
Mưa cả tuần không dứt khiến mọi con đường lên Minh Hóa bị tắc nghẽn. Quốc lộ 12A bị phong tỏa, trong khi đó huyết mạch còn lại là đường mòn Hồ Chí Minh đi xuyên đèo Đá Đẽo bị tắc ngay từ thôn Phú Minh (xã Thượng Hóa), đến Trung Hóa. Cả một đoạn đường mòn dài hàng chục cây số bị lũ nhấn chìm dưới 5m nước.
Ngày 4-10, PV Báo SGGP đã cố gắng lên trung tâm huyện Minh Hóa, về rốn lũ xã Tân Hóa nhưng mọi nỗ lực không thể thực hiện được. Lũ đã dâng ngập khắp Thượng Hóa, cửa ngõ lên miền núi Minh Hóa. Đoàn công tác của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cũng đành đứng nhìn con nước nhích lên từng tấc mỗi phút nhưng không thể vào được trung tâm huyện.
Vào một số nhà trong thôn Phú Minh, làng có 171 hộ ngập hoàn toàn, tài sản trong nhà không biết còn hay mất vì nước lên quá nhanh. Xóm giữa thôn Phú Nhiêu chỉ còn nhà anh Đinh Thanh Hóa cao nhất mà lũ cũng đã chạm vào thềm nhà. Nhưng thế cũng là may để hơn 50 con người trong xóm cùng trú chân.
Mệ Đinh Thị Hóa, 83 tuổi, móm mém: “May mà cả xóm có nhà chú Hóa. Chú ấy thương người, cho dân trong xóm vô ở, lại cho cơm ăn qua mấy ngày. Đúng là tốt bụng”. Nhìn căn nhà nhỏ của anh Hóa, cả 50 con người chen chân vào đó mới hiểu được dân cưu mang nhau khi thiên tai.
Người Minh Hóa đang từng ngày cưu mang nhau qua cơn lũ lịch sử cả 100 năm qua chưa thấy bao giờ. Lũ còn lên, mưa còn to, anh Hóa vẫn chắc chắn: “Em vẫn cho bà còn ăn ở đến khi hết gạo. Đến khi mô lũ rút. Lũ không rút mà gạo hết thì ăn ngô ăn sắn cầm hơi với nhau”.
3.000 dân thoát chết nhờ sống trên gác nhà
Tân Hóa là rốn lũ nặng nhất trong 16 xã thị trấn của huyện Minh Hóa. Năm nay lũ to chưa từng thấy, qua điện thoại, Bí thư Huyện ủy Cao Văn Đinh nói: “Người dân trở tay không kịp. Hơn 3.000 người dân dắt díu nhau lên gác nhà sống. Dân họ gọi là cái tra, ở gần nóc nhà. Nhưng có nhiều nhà, nước chạm nóc phải kêu cứu. Có gần 400 chiếc thuyền độc mộc của dân tự đóng để tự ứng cứu nhau. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới mưa vẫn dồn, lũ vẫn dập thì người Tân Hóa cũng không đủ thuyền để cứu nhau, cũng không đủ nóc nhà để trú chân vì lúc đó lũ nhấn chìm cả nóc nhà nữa rồi”.
Cũng thông tin từ điện thoại, người dân xã Tân Hóa hiện không biết hàng ngàn con heo nhà nuôi đang bị lũ cuốn đi đâu, trong khi đó hơn 5.000 con trâu bò hiện không xác định chúng đang ở vùng nào vì bị lũ cô lập hoàn toàn.
Người Tân Hóa may mắn thích nghi với lũ nhưng các xã khác như Minh Hóa, Hồng Hóa… chưa bao giờ thấy lũ to đến thế nên họ rất sợ. Hàng trăm người leo lên mái nhà kêu cứu giữa mưa vần, lũ vây. UBND tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương điều động hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và công an tỉnh bằng mọi cách có thể tiếp cận để cứu dân vùng lũ.
MINH PHONG