Miền Trung: Hàng ngàn hécta ruộng chết khô

Ngậm ngùi nhìn đất bỏ hoang
Miền Trung: Hàng ngàn hécta ruộng chết khô

Nắng nóng kéo dài, khô hạn khốc liệt đã đẩy người dân miền Trung vào vô vàn khốn khó. Thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn và nay lại thêm hàng ngàn hécta đất nông nghiệp bỏ hoang do thiếu nước tưới, người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Trạm bơm Tứ Câu (Điện Bàn, Quảng Nam) do nhiễm mặn đã ngưng hoạt động hơn 1 tháng nay. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Trạm bơm Tứ Câu (Điện Bàn, Quảng Nam) do nhiễm mặn đã ngưng hoạt động hơn 1 tháng nay. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Ngậm ngùi nhìn đất bỏ hoang

Chỉ tay về phía mấy sào ruộng trơ trơ đất cục, bà Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Tứ Ngân (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), cho biết: “Để chủ động cắt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ, cuối tháng 4-2013, tôi đã thuê người cày phơi ải cả 3 sào đất. Theo khung thời vụ, ngày 26-5 gieo sạ toàn bộ diện tích đó bằng giống lúa ngắn ngày Bio 404. Thế nhưng, suốt nửa tháng nay mặn thường xuyên án ngữ trước miệng bể hút với nồng độ cao khiến trạm bơm Tứ Câu không thể vận hành. Gia đình có 6 nhân khẩu chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng này, giờ bỏ hoang, chắc đói mất”. 

Đó cũng là tình cảnh chung của hơn 5.000 hộ dân thuộc các xã vùng Đông huyện Điện Bàn, như: Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, Điện Thắng Bắc… khi nước mặn xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện làm cho các trạm bơm trên con sông này phải “đắp chiếu” nhiều tháng qua.

Ngược về hướng Đà Nẵng, hơn 200ha đất lúa hè thu của phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và 300ha ở huyện Hòa Vang cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi nguồn nước dự trữ ở các hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ đã xuống thấp, nước mặn xâm nhập vào các con sông cả chục kilômét. Nhiều hộ gia đình 4-5 nhân khẩu chỉ có 2-3 sào ruộng để sống, nay do khô hạn phải bỏ hoang, đời sống hết sức khó khăn.

Cánh đồng hơn 200 ha ở xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) đang bỏ hoang vì không có nước tưới. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Cánh đồng hơn 200 ha ở xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) đang bỏ hoang vì không có nước tưới. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho rằng: Theo lịch thời vụ, ngày 31-5 việc gieo sạ lúa vụ hè thu của Quảng Nam và Đà Nẵng phải hoàn tất, tuy nhiên do thiếu nước tưới nên đã có hàng ngàn hécta đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Người nông dân phải rơi vào tình cảnh thất nghiệp ngay chính trong mùa vụ.  

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 13 trạm bơm phục vụ nước tưới cho gần 10.000ha lúa hè thu. Tuy nhiên, do nước mặn xâm nhập sâu trong nhiều tháng qua nên có trên 4.000ha đất nông nghiệp bị thiếu nước nghiêm trọng. 

Hiện nay, Bình Định là địa phương bị khô hạn nặng nhất ở miền Trung. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, đây là đợt khô hạn nặng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Vì vậy, toàn tỉnh có hơn 6.000ha đất lúa bị thiếu nước, trong đó có khoảng 1.300ha bị bỏ hoang hoàn toàn.

Còn tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, trong hơn 50.000ha vụ lúa hè thu, có đến gần 10.000ha tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) và các huyện A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có nguy cơ bỏ hoang vì không có công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước trời.

Nỗi lo còn đó

Trước mắt, sở NN-PTNT các tỉnh, thành miền Trung đã có văn bản yêu cầu các địa phương lùi thời vụ hoặc chuyển đổi diện tích vụ hè thu sang gieo cấy vụ mùa bằng các giống lúa mới ngắn ngày. Những diện tích không đủ nước gieo sạ cần hướng dẫn chuyển sang trồng cây hoa màu cần ít nước hơn, như: ngô, mè… và hỗ trợ vật tư, giống các loại cây này cho bà con nông dân. Từng địa phương tích cực triển khai các biện pháp chống hạn, tận dụng các ao hồ để bơm nước vớt vát một số diện tích có thể.

Tuy nhiên, đó cũng là giải pháp tạm thời. Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là hơn 100.000ha đất nông nghiệp ở miền Trung đã tiến hành gieo sạ, biết tìm đâu ra nguồn nước để duy trì việc cung cấp cho lúa phát triển trong vòng 3 tháng tới. Bởi hiện nay, hầu hết các ao hồ đã cạn kiệt. Nếu thời gian tới không có mưa, diện tích lúa đã gieo sạ bị khô cháy sẽ tăng lên từng ngày và lúc đó thiệt hại còn nặng hơn việc bỏ hoang đất.

Về giải pháp lâu dài, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng, ngoài việc các địa phương ở miền Trung chủ động đào ao hồ; nạo vét, gia cố các hồ chứa lớn để tích trữ nước thì việc đấu tranh đòi những thủy điện ở thượng lưu các sông Vu Gia - Thu Bồn trả nước về vùng hạ lưu vẫn phải đeo bám đến cùng. Việc này cần phải có sự can thiệp tích cực từ các bộ, ngành trung ương cũng như Chính phủ và Quốc hội. Có như thế, trong những mùa nắng nóng tiếp theo, nông dân miền Trung mới không phải ngồi nhìn ruộng đồng khô cháy trong nỗi tuyệt vọng.

NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục