Phát triển quá nhanh, quy hoạch thiếu khoa học của các công trình thủy điện trên địa bàn miền Trung đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thể hiện rõ nhất là hàng chục ngàn hécta rừng bị còi trọc, sông suối khô cạn về mùa nắng, lũ nhấn chìm vùng hạ du khi mưa bão đến. Tại những nơi có công trình thủy điện, người dân bản địa, chính quyền địa phương than thở bởi cuộc sống bị đảo lộn do di dời nơi ở, thay đổi môi trường sản xuất...
Thêm gánh nặng
Quảng Nam đứng đầu về số lượng công trình dự án thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.584,6MW. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân phải di dời vào những khu tái định cư được các dự án thủy điện xây sẵn. Cuộc sống, tập quán sinh hoạt của đa số người dân không phù hợp, chất lượng các khu tái định cư quá kém đã và đang đẩy người dân vào khốn khó.
Đa số hộ tái định cư tập trung tại các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là đồng bào dân tộc thiểu số. Phong tục nhà ở của đồng bào từ xưa đến nay là nhà gỗ, việc làm nhà xây, trước hết không phù hợp với nếp sinh hoạt bao đời, thứ hai làm mất dần nét văn hóa vùng miền… Chính vì vậy, tại hầu hết khu tái định cư ở Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang… tình trạng nhà tái định cư bị bỏ hoang hoặc biến thành chuồng bò, chuồng heo xảy ra nhan nhản. Về sống được một vài hôm thì người dân lại rủ nhau vào rừng làm nhà gỗ sinh sống.
Tệ hại hơn là khu tái định cư Pachepalanh (xã Màcooih, huyện Đông Giang) chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng đã sụp xệ, mốc meo, sạt lở. 257 hộ dân di dời vào đây ở để giao đất cho thủy điện A Vương giờ đều lắc đầu ngao ngán: “Sống ở đây khổ lắm, cơm không có ăn, ngày đêm lo núi lở”.
Theo thống kê của Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh Quảng Nam, 97% người dân cho rằng chất lượng nhà ở do chủ đầu tư các dự án thủy điện cấp là kém chất lượng, 91% không hài lòng về chất lượng nhà ở và đất ở được cấp, 91,3% không hài lòng về các công trình công cộng tại các khu tái định cư.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UNBD huyện Bắc Trà My, bức xúc: Chủ đầu tư thì muốn giải quyết bằng tiền cho nhanh để đi vào xây dựng thủy điện. Người dân lại thiếu hiểu biết, thấy tiền thì nhận, không suy xét trước sau. Lại thêm, tình trạng động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra liên tục trong thời gian qua khiến người dân vùng tái định cư vừa hoang mang vừa lo đói ăn do thiếu đất sản xuất, nên tình hình rất bất ổn.
Còn ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho rằng: Chúng tôi đã họp với Công ty CP Thủy điện A Vương nhiều lần để bàn cách khắc phục những hậu quả xấu từ việc xây dựng khu tái định cư kém chất lượng. Tuy nhiên, họ chỉ là đơn vị tiếp nhận, vận hành và khai thác nên chỉ hỗ trợ nhỏ. Mọi gánh nặng hiện nay địa phương phải tự lo.
Hầu hết các huyện miền núi ở Quảng Nam đều là huyện nghèo. Việc lo cho đời sống người dân có cuộc sống no đủ hết sức khó khăn. Nay phải gánh thêm gánh nặng từ hậu quả của các công trình thủy điện quả là điều hết sức phi lý.
Phớt lờ trả nợ cho rừng
Những năm cuối thế kỷ 20, rừng Quảng Nam còn bạt ngàn màu xanh với nhiều loại gỗ được xếp vào loại quý hiếm, như lim, gõ, kiền kiền... là “lá phổi xanh” không chỉ cho Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung. Thế nhưng, trong vòng 10 năm qua, khi Nhà nước cho phép đầu tư xây dựng những nhà máy thủy điện trên các sông ở Quảng Nam, tình trạng phá rừng, mất rừng ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, ước tính đến nay, có ít nhất 10.000ha đất rừng bị ngập theo các nhà máy thủy điện. Trong đó, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và 3 “nuốt” hơn 2.600ha, thủy điện A Vương chiếm gần 1.000ha... Bên cạnh những diện tích rừng bị mất vì nằm dưới lòng hồ được Nhà nước cho phép tận thu thì những “lâm tặc” núp bóng các công ty, xí nghiệp lợi dụng danh nghĩa ấy để tận diệt rừng.
Ở địa phương lân cận là Quảng Ngãi, tình trạng nhà máy thủy điện “nuốt” rừng cũng diễn ra nghiêm trọng không kém. Theo Sở Công thương tỉnh này, đã có tổng cộng 25 dự án thủy điện được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất trên 374MW. Trong đó có 22 dự án đã được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, 3 dự án còn lại đang được xem xét để cho chủ trương đầu tư. Dự kiến tổng diện tích đất lâm nghiệp (bao gồm đất rừng tự nhiên và rừng trồng sản xuất) phục vụ cho 22 dự án thủy điện là 890ha, chiếm khoảng 0,4% tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư khoảng 520 hộ.
Ông Diệp Thanh Phong, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, tính đến thời điểm này, chưa có thủy điện nào thực hiện việc trồng rừng một cách nghiêm túc. “Nếu không tự tay trồng được thì phải bỏ tiền ra thuê địa phương, nhưng theo tôi biết là tất cả thủy điện ở Quảng Nam chưa bỏ một đồng nào để trồng rừng” - ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã nhiều lần đề cập đến vấn đề thủy điện hoặc bất kỳ một ngành nghề, lĩnh vực nào có tác động đến rừng đều phải hoàn thổ, trồng lại rừng nhưng đến nay việc này vẫn chưa được chú trọng. Chỉ có một vài nhà máy thủy điện ký vào hợp đồng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, nhưng cũng chỉ dừng lại… trên giấy.
Còn ở Quảng Ngãi, tình hình cũng chẳng khả quan gì khi có hơn 20 nhà máy thủy điện cố tình phớt lờ việc “trả nợ cho rừng”.
Theo ông Lê Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty Thủy điện A Vương, từ năm 2008 - 2009, nhà máy thủy điện A Vương đã đặt vấn đề trồng lại rừng với huyện Đông Giang, nhưng địa phương này… không tìm ra đất trống cho công ty trồng rừng. Sau đó, công ty này đã gửi công văn cho tỉnh Quảng Nam, đề nghị được chuyển tiền cho tỉnh, sau đó tỉnh sẽ chỉ đạo địa phương làm. Cuối năm 2011, tỉnh giao cho QBL rừng phòng hộ ở Đông Giang làm giúp cho A Vương. Đến nay, việc trồng lại rừng của A Vương đang trong giai đoạn được QBL rừng phòng hộ… thiết kế, chờ tỉnh phê duyệt.
Thảm họa về môi trường sẽ ập đến với người dân miền Trung như cảnh báo của Th.S Nguyễn Đăng Thạch, giảng viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, không còn xa nữa nếu như ngay từ bây giờ các địa phương cũng như các bộ, ngành trung ương không có biện pháp kiên quyết buộc các nhà máy thủy điện trồng lại rừng.
| |
NGUYỄN HÙNG