Miền trung lại lo bão lũ

Gần 1 tháng qua, miền Trung đã hứng chịu những cơn mưa lớn. Lũ đầu mùa làm 6 người chết ở Nghệ An, hàng trăm ngàn hécta lúa hè-thu ngập úng. Bao nỗi lo lại ập đến. Hàng trăm hồ đập lớn nhỏ xuống cấp có thể vỡ bất cứ lúc nào, các khu dời dân tái định cư ì ạch. Tuyến đường “độc đạo” quốc lộ 1 qua ba miền Bắc - Trung - Nam còn rất nhiều cây cầu có độ tuổi gần nửa thế kỷ. Liệu tất cả có chịu được qua mùa mưa lũ 2011?
Miền trung lại lo bão lũ

Gần 1 tháng qua, miền Trung đã hứng chịu những cơn mưa lớn. Lũ đầu mùa làm 6 người chết ở Nghệ An, hàng trăm ngàn hécta lúa hè-thu ngập úng. Bao nỗi lo lại ập đến. Hàng trăm hồ đập lớn nhỏ xuống cấp có thể vỡ bất cứ lúc nào, các khu dời dân tái định cư ì ạch. Tuyến đường “độc đạo” quốc lộ 1 qua ba miền Bắc - Trung - Nam còn rất nhiều cây cầu có độ tuổi gần nửa thế kỷ. Liệu tất cả có chịu được qua mùa mưa lũ 2011?

Bài 1: Phập phồng hồ đập

Hàng năm, các địa phương miền Trung đã phân bổ kinh phí hàng trăm tỷ đồng xây dựng các khu tái định cư, di dời dân khỏi vùng sạt lở, ngập lụt… Tuy nhiên, do triển khai quá chậm, có nơi không đúng quy cách, tiêu chuẩn, phong tục tập quán nên khi dọn đến nơi ở mới người dân đã gặp không ít khó khăn, thậm chí đã bỏ nơi mới trở về nơi ở cũ.

  • Thiếu nơi tái định cư

“Năm nay miền Trung “đón” mùa mưa bão muộn, cùng thời điểm này năm ngoái ít nhất cũng đã ba bốn trận bão lũ rồi. Năm ngoái, lũ lên nhanh, nhà tui phải chuyển lên UBND xã để chạy nước. Những tưởng năm nay sẽ được đến ở khu tái định cư mới, cuộc sống ổn định hơn nhưng chờ hoài mà không thấy. Lo lắm chú à!” – ông Nguyễn Tấn Hưng, ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) trăn trở.

Nhiều hồ chứa nước tại Quảng Ngãi bị bồi lấp nhưng chưa có kinh phí để nạo vét. Ảnh: HÀ MINH

Nhiều hồ chứa nước tại Quảng Ngãi bị bồi lấp nhưng chưa có kinh phí để nạo vét. Ảnh: HÀ MINH

Đưa chúng tôi đi tham quan khu tái định cư Triền Đông Núi Bé (xã Hành Nhân) được xây dựng từ năm 2008, ông Lê Tiến, 62 tuổi, lại than: “Nắng nóng kéo dài chừng nửa tháng là các giếng nước trong khu tái định cư cạn kiệt, hệ thống điện thắp sáng lại không có, nên trong số 40 hộ dân đã làm nhà ở, chỉ có 25 hộ bám trụ, số hộ còn lại đành phải quay về nơi ở cũ sinh sống”.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng, cho biết: “Khi tiến hành xây dựng khu tái định cư, có 34 hộ dân trong diện thu hồi đất được đền bù tiền hoa màu, chuyển đổi nghề nghiệp, di dời mồ mả, song mới hỗ trợ tiền đền bù cho 25 hộ. Số hộ còn lại đợi có đầy đủ các khoản tiền đền bù hoa màu, chuyển đổi nghề nghiệp mới nhận tiền. Kinh phí hỗ trợ đầy đủ các khoản lại chưa được cấp nên bà con bức xúc”.

Qua tìm hiểu, được biết sự bất cập này cũng đang xảy ra ở xã Hành Phước. Nguyên nhân do những hộ dân đã đến khu tái định cư nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến khó khăn nhiều trong việc vay vốn để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Tấn Đáng, Trưởng phòng Quản lý dân cư nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi) cho biết, ngoài các khu tái định cư dở dang, hoàn thành nhưng không đáp ứng nhu cầu sống của người dân thì một số khu tái định cư còn nằm trên giấy, bởi không có kinh phí.

Theo ông Đáng, những năm trước Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng các điểm tái định cư. Trong năm 2010, Quảng Ngãi nằm trong tốp thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng, nên theo quy định của Trung ương, Quảng Ngãi tự cân đối ngân sách chi trong năm 2011. Trong khi đó, việc phân bổ kinh phí năm 2011 ở tỉnh được tiến hành từ cuối năm 2010, nên khi có chủ trương của Trung ương thì sự đã rồi. Thực tế kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, nên không bố trí bổ sung nguồn vốn để xây dựng các điểm tái định cư.

Rời Quảng Ngãi, chúng tôi đến khu tái định cư ở thôn Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Khu tái định cư được đầu tư gần 6 tỷ đồng này là nơi di dời 92 hộ dân thôn Trung Lương có nhà ở sát biển đến ở lâu dài. Mỗi hộ thuộc diện di dời ra khỏi vùng thiên tai được huyện Phù Cát cấp một lô đất ở tại khu tái định cư, được hỗ trợ 10 triệu đồng tháo dỡ, di dời nhà ở nhưng hiện chỉ có 1 hộ dân đến ở.

Bà Văn Thị Hà, một trong số 92 hộ dân thuộc diện di dời ở thôn Trung Lương cho biết: “Nhà tôi ở sát mép biển nên mùa mưa lũ sẽ không được an toàn là điều đã rõ. Khi được bố trí đất ở khu tái định cư gia đình tôi nhận đất ngay. Tuy nhiên, muốn xây một căn nhà ở phải có số tiền 40 - 50 triệu đồng, chúng tôi biết lấy đâu ra?”.

  • Gần 50% hồ đập xuống cấp

Ông Võ Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Trong tổng số 115 hồ chứa nước ở tỉnh thì có 60 hồ chứa nước xuống cấp, có 28 hồ xuống cấp nghiêm trọng, với hiện trạng: Mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết đã bị hư hỏng không còn tác dụng; nền và thân đập đất bị thấm nước có nguy cơ gây mất ổn định đập.

Tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa, nên bể tiêu năng bị xói lở. Cống lấy nước dưới đập bị rò rỉ dọc thân cống, cửa van đóng mở bị hư hỏng, do đó khả năng trụ được trước những cơn lũ khắc nghiệt là rất khó. Bởi nếu bị lũ lớn, nước lũ thấm làm mềm đất ở bờ đập, sau đó nếu gặp thủy lực lớn, công trình rất dễ bị vỡ. Dù trước đó Chính phủ Nhật Bản viện trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa nước ở 3 huyện: Bình Sơn, Mộ Đức và Đức Phổ, nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đầu tư nâng cấp 5 hồ chứa nước trong chương trình an toàn hồ chứa nước của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên con số này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu có 60 hồ cần nâng cấp, kiên cố khẩn cấp.

Công trình xây dựng kè sông La Tinh (Bình Định) đang được gấp rút hoàn thành để bảo đảm an toàn trong mùa lũ năm 2011. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Công trình xây dựng kè sông La Tinh (Bình Định) đang được gấp rút hoàn thành để bảo đảm an toàn trong mùa lũ năm 2011. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, tỉnh đã lập tờ trình đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 13 hồ chứa nước ở các huyện với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, nhưng chưa được phê duyệt. Trong khi đó, toàn tỉnh Bình Định hiện có 382 công trình thủy lợi, trong đó có 159 hồ chứa nước.

Trước mùa mưa bão năm 2011, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn và đã xác định có 30 hồ chứa bị xuống cấp, trong đó 14 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn khi mưa lũ lớn xảy ra.

Trước tình hình này, tháng 8-2011, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét và đồng ý cho tỉnh được tham gia vào dự án hỗ trợ thủy lợi Việt Nam và cho chủ trương để tỉnh lập dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tổng số tiền đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình 270 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được hồi âm. 

HÀ MINH - HOÀNG TRỌNG

Bài 2: Nỗi lo... cầu sập

Mùa mưa lũ đã cận kề, nhưng giao thông trên địa bàn các tỉnh miền Trung đang phập phồng với nỗi lo cầu yếu, cầu chờ sập... Thậm chí, tuyến QL1A - tuyến giao thông huyết mạch đoạn qua các tỉnh miền Trung, cũng có thể bị chia cắt bởi những chiếc cầu yếu.

Mặc dù cầu Hương An (Quảng Nam) nằm trên tuyến QL1A xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào nhưng mỗi ngày hàng ngàn lượt xe tải nặng vẫn qua cầu. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Mặc dù cầu Hương An (Quảng Nam) nằm trên tuyến QL1A xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào nhưng mỗi ngày hàng ngàn lượt xe tải nặng vẫn qua cầu. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cầu hỏng chờ... kinh phí

Quốc lộ 1A, QL19, QL1D - các tuyến giao thông huyết mạch, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 210km do Khu Quản lý đường bộ V quản lý và 670km tuyến đường do Sở GTVT tỉnh Bình Định quản lý, 300km tuyến đường do các huyện quản lý… có tất cả hơn 2.000 chiếc cầu, cống các loại.

Theo kỹ sư Đỗ Văn Công, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh Bình Định, hiện có 6 cây cầu thuộc diện… chờ sập. Trong số đó, nhiều cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn như cầu Phú Phong, cầu Cẩm Tiên 2.

Cầu Phú Phong dài 111,7m, rộng 8m, tải trọng 25 tấn, nằm trên QL19 - tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với QL1A và cảng Quy Nhơn, được xây dựng từ trước năm 1975 nên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong mùa mưa bão năm 2007, nước lũ đã gây xói lở, đẩy trụ T3 làm nghiêng 2 nhịp dầm, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

Trước tình hình này, Khu quản lý đường bộ V đã xây cầu sắt tạm nằm bên cạnh cầu Phú Phong để các xe có tải trọng lớn lưu thông. Và cây cầu tạm này oằn mình chịu tải trọng của hàng ngàn lượt xe mỗi ngày gần 4 năm qua.

Tương tự, cầu Cẩm Tiên 2 (thuộc địa phận huyện An Nhơn, Bình Định) trên QL1A cũng không còn an toàn do trụ cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu quản lý đường bộ V đã xây thêm một cây cầu tạm song song với cầu Cẩm Tiên 2 để các xe có tải trọng trên 12 tấn lưu thông. Tuy nhiên, cây cầu cũ mỗi ngày phải oằn mình chống đỡ với hàng ngàn lượt xe qua lại nên mặt cầu cũng xuống cấp. Tuy không đến mức phải xây cầu tạm, nhưng cầu Gành cũng trên QL1A (thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) thường xuyên bị nứt thủng mặt cầu, các dầm chủ bị võng, nứt xiên, nứt ngang, nứt vỡ mố… Ngoài ra còn có hàng loạt cây cầu trên tuyến QL 1A, thuộc địa bàn tỉnh Bình Định, bị xếp loại yếu như: cầu Gia Hựu, Bình Dương, Trường An 1, Trường An 2, Trà Quang 1, Châu Thành, An Ngãi 1...

Mặc dù 6 cây cầu xuống cấp nghiêm trọng tại Bình Định đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt dự án đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp từ nguồn kinh phí tài trợ của Nhật Bản nhưng hiện vẫn chưa được triển khai. Kỹ sư Đỗ Văn Công, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho biết: “Bình Định cũng như nhiều địa phương khác ở miền Trung, địa hình hẹp, đồi dốc lớn và hơn 90% lượng mưa trong năm tập trung vào mùa mưa bão nên thường xuyên xảy ra lũ lụt, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngành giao thông. Việc sửa chữa, khắc phục trên các tuyến quốc lộ do Cục Đường bộ quản lý, còn các tuyến đường khác do địa phương chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, mỗi năm kinh phí cho phòng chống lụt bão chỉ được trích 5% trong tổng kinh phí sửa chữa đường bộ là quá thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi kinh phí của địa phương lại không có. Thậm chí, những tuyến đường do cấp huyện, xã quản lý cũng không có kinh phí để “phòng” trước mùa mưa lũ nên chỉ chờ sự cố xảy ra rồi mới khắc phục là rất bất cập”.

Xe “bò” qua cầu Hương An

Trong khi đó, tuyến QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 100km và hầu hết các cây cầu trên đoạn đường này chịu tải trọng chỉ 25 tấn. Trong đó, cầu Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) được xây dựng trước năm 1975 gồm 14 nhịp, dài 257,13m, rộng 18,3m, trong đó có 13 nhịp dầm bê tông cốt thép thường (không bầu, có dầm ngang) và 1 nhịp dầm thép bê tông liên hợp. Qua quá trình khai thác, cầu bị hỏng nặng tại các nhịp 4, 10, 11 và 12, nặng nhất là nhịp số 7… trong khi hàng ngày phải chịu hàng ngàn lượt xe tải nặng qua cầu.

Cách đó chừng 10km, cầu Hương An (lý trình 964+781, tuyến QL1A đoạn qua xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) cũng được xây dựng từ trước ngày giải phóng nên đã xuống cấp trầm trọng. Mặt đường bong tróc lòi sắt, mỗi lần có xe qua cầu lại rung lên bần bật. Tháng 7-2008, Bộ GTVT đầu tư 144 tỷ đồng xây dựng cầu Hương An mới để giải quyết vấn đề giao thông huyết mạch trên tuyến. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, cầu Hương An mới vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì vướng… đền bù, giải tỏa và tái định cư.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP vào ngày 19-9, ở hai đầu cầu Hương An cũ cắm chằng chịt biển báo “cầu yếu” và biển báo hạn chế tải trọng 25 tấn. Tuy nhiên, hàng ngày có đến hàng ngàn lượt ô tô tải, xe đầu kéo… nặng trên 70 tấn vẫn “bò” qua cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện nay cầu Hương An (cũ) xuống cấp trầm trọng và không biết có thể chịu đựng được qua mùa mưa bão này hay không. Trong khi đó, Sở GTVT Quảng Nam cũng đang xử lý những vướng mắc trong dự án cầu Hương An mới để sớm bàn giao mặt bằng đường dẫn phía Bắc cầu cho Cục Đường bộ Việt Nam thi công. Tuy nhiên, phải mất 6 tháng nữa mới giải quyết được vướng mắc này.

Chiều 19-9, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Tô Hoài, Phó Tổng Giám đốc Khu Đường bộ V, lo lắng: Hiện nay cầu Hương An (cũ) xuống cấp một cách nghiêm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào, trong khi hàng ngày phải chịu đựng hàng ngàn lượt xe qua cầu. Mặt cầu đã bị thủng lòi sắt, khi có xe qua, cầu rung lắc rất nguy hiểm. Tuy nhiên, do cầu cao nên việc gia cố trụ cầu không thực hiện được. “Hiện nay không có giải pháp nào để gia cố cầu Hương An. Lo lắng nhất hiện nay là vào mùa mưa, lũ về có thể làm xói lở trụ cầu dẫn đến nguy cơ sập cầu rất lớn. Trong khi đó, cầu Hương An mới được đầu tư xây dựng 144 tỷ đồng nhưng đường dẫn phía Bắc vướng do chưa giải phóng được mặt bằng. Nếu theo đà này, phải đến tháng 4-2012 cầu Hương An mới thông được”, ông Hoài bức xúc.

Hoàng Trọng – Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục