Miền Trung: Lở từ sông ra biển

Năm nay, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ở các tỉnh miền Trung diễn ra rộng khắp. Mặc dù mùa mưa bão chưa đến nhưng tỉnh nào cũng bị sông, biển xâm thực, ăn sâu hàng chục mét vào đất liền, đe dọa đến sự an toàn của công trình, đường sá và cả tính mạng người dân.
Miền Trung: Lở từ sông ra biển

Năm nay, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ở các tỉnh miền Trung diễn ra rộng khắp. Mặc dù mùa mưa bão chưa đến nhưng tỉnh nào cũng bị sông, biển xâm thực, ăn sâu hàng chục mét vào đất liền, đe dọa đến sự an toàn của công trình, đường sá và cả tính mạng người dân.

Cho dù các tỉnh ven biển miền Trung đã có nhiều dự án quy mô tầm cỡ về sắp xếp dân cư ven biển, xây dựng tuyến đê, kè biển, thế nhưng, chưa biết đến bao giờ những dự án này mới hoàn thành...

Bãi biển Cửa đại ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sóng biển xâm thực làm hư hại nghiêm trọng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Sạt lở đe dọa phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Phố cổ Hội An gồm 3 dãy phố chính, trong đó có dãy phố trên đường Bạch Đằng nằm sát sông Hoài, hạ lưu sông Thu Bồn, thường xuyên bị ngập lụt sâu vào mùa lũ. Trong khi đó, đoạn kè sông đường Bạch Đằng dài gần 900m kéo dài từ chợ Hội An lên đến Chùa Cầu được xây dựng từ năm 1967, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, có đoạn vỡ toác. Nhiều năm qua, con đường Bạch Đằng có dấu hiệu sụt nứt, đe dọa “xóa sổ” dãy nhà trên tuyến đường này nên chính quyền và người dân Hội An đã dùng cọc tre để chống sạt lở nhưng cứ vào mùa mưa, nước sông chảy xiết thì cọc tre bị cuốn trôi. 

Bà Huỳnh Thị Trình, chủ ngôi nhà cổ số 11 Bạch Đằng, Hội An, cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng từ 2 năm qua và đe dọa cuốn trôi con đường Bạch Đằng. Vào mùa mưa lũ, chúng tôi rất lo sợ sông cuốn vỡ đường, sập nhà vì nước ở đây chảy rất xiết”.

Người dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi lo lắng trước việc biển xâm thực, gây sạt lở. Ảnh: HÀ MINH

Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, cho biết, dự án kè phố cổ Hội An được Quảng Nam xây dựng và trình lên Bộ TN-MT, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt và không biết đến khi nào mới thực hiện. Trong khi, cứ mỗi mùa mưa lũ hàng năm, phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị sông Thu Bồn cuốn trôi.

Cách nay chừng 10 năm, biển Cửa Đại (Hội An) là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung với bờ cát trải rộng hơn 300m từ mép đường đến mép biển. Thế nhưng đến nay, bãi biển Hội An bị xóa sổ hoàn toàn, nước biển ăn sâu vào sát con đường ven biển, phá hủy nhiều công trình của các khu nghỉ dưỡng tại đây. Tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đoạn kè biển kiên cố dài gần 2km vừa hoàn thành năm 2012 nay bị nước biển xé toác nhiều điểm với chiều dài hàng trăm mét. Theo người dân Tam Hải, chỉ trong khoảng 5 năm, biển xâm thực sâu vào đất liền hơn 50m và xóa toàn bộ rừng chắn sóng tại đây. Tại thôn Thuận An (xã Tam Hải), do biển xâm thực đe dọa, chính quyền địa phương phải lên phương án di dời hơn 200 hộ dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Thấp thỏm trước mùa mưa bão

Thôn Phước Thiện, Thanh Thủy xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chỉ là một trong hàng trăm thôn ven biển của tỉnh này phải đối diện với tình trạng biển xâm thực và sạt lở mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây. Cứ mỗi khi gặp gió chướng hay mùa mưa bão đến, hàng trăm mét đất của những ngôi làng này lại theo sóng biển trôi ra xa. Những hộ dân nhà sát biển luôn phải đối mặt với sạt lở nên họ luôn sống trong tư thế nhấp nhổm di dời và chạy sạt lở bất cứ lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Thương, Bí thư Chi bộ thôn Phước Thiện cho rằng, ngoài sạt lở do thiên nhiên còn do khai thác cát trồng hành tràn lan, không có quy hoạch mà ra. Cái lợi của việc khai thác cát biển trồng hành thì thấy rõ nhưng cái hại của nó không thể không đề cập. Khai thác cát để trồng hành là miếng cơm manh áo của người dân song không thể ngoảnh mặt trước nỗi lo sạt lở của người dân sống ven biển.

Kè cừ lá sen để chắn cát, chắn sóng nhưng đã bị sóng vùi xuống cát gây lấp Cửa Đại, sạt lở tại xã Nghĩa An (Quảng Ngãi). Ảnh: HÀ MINH

Tại Thừa Thiên-Huế, những con sóng bạc đầu dồn dập “ngoạm” từng mảng đất ven biển, tạo thành cái lõm hình chữ C khổng lồ, một phần làng Thai Dương Hạ. Trên lõm đất hình chữ C đó, ông Huỳnh Né (65 tuổi, xã Hải Dương, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) âu lo: “Trước đây từ nhà tôi muốn ra biển phải đi cả cây số đường làng, trèo mỏi giò qua các động cát, rừng dương, nhưng nay, những đêm gió lộng tôi lại thao thức vì sóng biển ì oạp muốn nuốt nhà mình...”.

Ngôi làng vào loại cổ xưa nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 400 năm do ông Trương Quí Thiều (quê gốc Gia Miêu ngoại trang - Thanh Hóa) được chúa Nguyễn Hoàng chỉ định về Đại Trường Sa (vùng cát ven biển) khai khẩn đất đai lập làng. Sau đó, cửa biển Thuận An mở ra nên làng Thai Dương chia tách thành Thai Dương Hạ (trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà) và làng Thai Dương sáp nhập thị trấn Thuận An. Trong mùa mưa bão năm 2013, triều cường gây sạt lở nặng hơn 300m, sâu từ 10-20m tiến vào khu dân cư. Một cửa biển mới thông vào phá Tam Giang sắp vỡ toang đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản hàng ngàn con người.

Điều đáng nói, tình trạng sạt lở sông, biển ở các tỉnh miền Trung trong năm nay diễn ra ngay giữa mùa nắng nên cả chính quyền và người dân hết sức lo lắng vì không biết sạt lở sẽ đến mức nào, trong khi mùa mưa lũ đã cận kề.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, những năm trở lại đây chiều dài bờ biển bị xói lở gần 100km và có xu hướng tăng nhanh. Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra ở hầu hết các huyện ven biển. Nếu giai đoạn 1965 - 2013, chiều dài bờ biển xói lở trung bình từ 600 - 1.200m, mức độ ăn sâu vào đất liền trung bình từ 20 - 25m thì từ năm 2009 đến nay, tình trạng xói lở nghiêm trọng, với chiều dài đến 1.400m và mức độ ăn sâu vào đất liền là 30m.

NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục