Miền Trung: Muôn kiểu xe “né” trạm cân

Nhận tín hiệu có trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng hoạt động phía trước cung đường từ xe ngược chiều, cánh lái xe quá tải lập tức cho xe tạt vào các trạm xăng dầu, nhà hàng hoặc viện cớ xe hỏng nằm dọc quốc lộ 1A để đối phó.
Miền Trung: Muôn kiểu xe “né” trạm cân

Nhận tín hiệu có trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng hoạt động phía trước cung đường từ xe ngược chiều, cánh lái xe quá tải lập tức cho xe tạt vào các trạm xăng dầu, nhà hàng hoặc viện cớ xe hỏng nằm dọc quốc lộ 1A để đối phó.

        “Không chở quá tải thì đói”

10 giờ sáng 14-3, phóng viên SGGP có mặt tại khu vực đặt trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều bất thường, quốc lộ 1A dài hơn 50km hai phía Bắc - Nam nối về điểm đặt trạm cân hầu như không có xe tải hạng nặng nào lưu thông. Thế nhưng, 12 giờ cùng ngày, cũng trên quốc lộ 1A cách trạm cân khoảng 20km về phía Bắc, thuộc địa bàn thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ do lượng xe tải hạng nặng, container lưu thông tăng đột biến.

Thì ra, các xe chở quá tải đã dừng lại dọc đường, các trạm xăng, quán cơm… trên quốc lộ 1A để tránh đưa xe vào trạm cân. Chờ trạm cân do Thanh tra Sở GTVT phối hợp CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế nghỉ trưa thì các lái xe đồng loạt điều khiển xe tiếp tục hành trình. Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho biết rất khó xử lý xe né tránh trạm cân vì dễ xảy ra phản ứng chống đối từ phía các tài xế.

Trạm cân tải trọng lưu động trên QL1A đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh vắng hoe do xe “né” trạm.

Trạm cân tải trọng lưu động trên QL1A đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh vắng hoe do xe “né” trạm.

Từ ngày 10-3, lực lượng liên ngành tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đội Thanh tra an toàn Cục Quản lý đường bộ 2 đặt trạm cân lưu động xử lý xe tải quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh. Trạm cân đặt chưa kịp “nóng chỗ” thì cánh tài xế xe tải đường dài đã tìm mọi cách đối phó. Cùng với việc tấp xe vào các trạm xăng dầu, quán cơm… như ở Thừa Thiên - Huế, nhiều lái xe còn vờ xe bị hỏng, dừng xe ngay bên hành lang quốc lộ 1A rồi khóa cửa ung dung ngồi nghe ngóng tình hình.

Chờ thời điểm lực lượng chức năng thay ca thì cho xe tăng tốc vượt qua trạm cân. Xe nào không kịp qua trong giờ nghỉ trưa tiếp tục cố thủ tại các địa điểm lẩn tránh, chứ quyết không qua trạm. Một tài xế điều khiển xe tải BKS 18C-014.95 cho biết, hầu hết các xe tải vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ 1A đều chở vượt quá tải trọng gấp 3 đến 4 lần quy định. Xe tải trọng 8 tấn, nếu chở cà phê từ Đắk Lắk ra Hà Nội được chủ trả trọn gói 10 triệu đồng (mỗi tấn giá chung hiện nay từ 1,2 - 1,5 triệu đồng).

Trong khi chi phí xăng dầu, ăn uống dọc đường cho 2 người hết 12 triệu đồng, chưa kể các loại phí cầu, hầm. Không chở thêm hàng thì lấy gì để bù phần thâm hụt… Biết vi phạm, nhưng chở như thế mới có thu nhập thêm vài triệu đồng/chuyến. Đưa xe vào trạm cân tải trọng sẽ bị “tuýt còi”, lúc đó không những chịu tiền xử phạt hành chính mà còn bị tước giấy phép lái xe…” - tài xế phân trần.

        Còn nhiều bất cập

Xe quá khổ, quá tải hoạt động tung hoành trên các cung đường bộ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Từ đầu năm 2014 đến nay, các tỉnh thành miền Trung - nơi đang sở hữu chiều dài tuyến quốc lộ 1A dài nhất so với các khu vực khác của cả nước đã ra quân xử lý, lập lại trật tự ATGT. Trong đó, việc thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động góp phần tăng cường kiểm tra, xử lý xe vi phạm, đặc biệt xe quá khổ, quá tải là cần thiết. Nhưng việc trạm cân lưu động tại Thừa Thiên - Huế vừa bị phá hỏng do lỗi lái xe khiến dư luận lo ngại về hoạt động các trạm cân còn lại.

Ông Nguyễn Trần Toản, Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Tĩnh, cho biết để không tái diễn tình trạng xe tải đỗ dừng, chờ vượt trạm, các lực lượng thanh tra giao thông, CSGT sẽ phối hợp thành lập tổ xử lý tại các điểm xe dừng đỗ, cố tình không vào trạm cân này, đồng thời kiểm tra thu giấy tờ rồi yêu cầu phải về cầu cân, có như vậy thì việc “đối phó” mới chấm dứt được.

Ghi nhận của phóng viên, tại các vị trí đặt trạm cân lưu động hiện nay hầu như chưa có bãi chứa, không có phương tiện hạ tải, bất cập này khiến việc xử lý các phương tiện quá tải như “bắt cóc bỏ đĩa”. Xử phạt xong, lại phải cho xe đi để giải tỏa ách tắc, nên việc xử lý triệt để dường như bất khả thi. Hàng hóa các phương tiện quá tải chở rất đa dạng, không chỉ một thiết bị hạ tải mà áp dụng với tất cả các hàng hóa. Thực tế, ứng với mỗi loại hàng hóa phải có những thiết bị hạ tải khác nhau. Vì vậy, mỗi trạm cân lưu động phải kèm theo hàng chục phương tiện máy móc kỹ thuật thì rất bất tiện.

Tại cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất phương án phối hợp giữa các tỉnh lân cận với nhau về thời gian tổ chức cân để ngăn chặn tình trạng xe né trạm. Thừa Thiên - Huế tổ chức cân vào buổi sáng thì Quảng Trị nên cân buổi chiều để lái xe không thể né được.

Trang bị thêm 53 bộ cân lưu động

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa bàn giao 53 bộ cân lưu động kiểm soát tải trọng xe cho các địa phương để tăng cường công tác “siết” xe quá tải trên các tuyến quốc lộ cả nước. Theo đó, 53 địa phương được trang bị cân lưu động là những tỉnh, thành còn lại chưa được Bộ GTVT cấp trong đợt đầu tiên vào ngày 25-9-2013.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục