Vừa bước vào mùa xuân nhưng nắng nóng “trái vụ” đã và đang đảo lộn cuộc sống người dân nhiều tỉnh Trung bộ khi số trẻ em và người già nhập viện tăng mạnh, hạn hán, sâu bệnh hoành hành...
Người nhập viện tăng mạnh
Đối với các tỉnh ven biển miền Trung, nắng nóng ở nhiệt độ cao thường phải từ tháng 5 trở đi mới xuất hiện nhưng năm nay lại nóng sớm một cách bất thường (ngày mùng 9 tháng Giêng, nhiệt độ trung bình tại Quảng Trị 15°C, sang ngày mùng 10 đã đạt 35°C rồi 37°C, 38°C kéo dài đến nay) khiến số người già và trẻ em nhập viện tăng mạnh. Hiện tại, 100% trạm xá, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương đóng tại miền Trung, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tăng 10%-20%, trong đó người già và trẻ em chiếm nhiều hơn cả.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế mới 8 giờ sáng 1-3, các bà mẹ đã chen chúc chờ lượt khám bệnh cho con. Các hàng ghế bên ngoài phòng khám không còn chỗ, nhiều bà mẹ tay bồng tay bế ngồi bệt ngay trên các lối đi. Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng khoa Nhi, cho biết, một tuần trở lại đây, mỗi ngày có từ 100 đến 150 phụ huynh đưa con đến khám và chữa bệnh tại khoa. Hiện tại, bệnh nhi điều trị nội trú từ 170- 200 cháu, trong đó hơn 50% số trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp. Thời tiết tiếp tục nắng nóng, bệnh nhi sẽ tăng đột biến là do sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu, dễ mắc bệnh.
Sâu bệnh, khô hạn...
Nắng nóng kéo dài bất thường, nhiệt độ trung bình từ 34-38°C, độ ẩm cao trên 89%... tạo điều kiện tốt cho sâu cuốn lá, rầy nâu, đốm nâu và nhiều loại bệnh khác phát triển, phá hại hàng vạn hécta lúa giai đoạn đẻ nhánh ở các tỉnh miền Trung. Tại Thừa Thiên - Huế gần 10 ngày qua, trên cây lúa xuất hiện sâu cuốn lá với mật độ từ 2-5 con/m2. Bệnh đạo ôn gây hại phổ biến từ 3%-5%, nơi cao nhất như các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang từ 10%-15%, chủ yếu nhiễm ở các giống nếp, 13/2, IR38...
Tại xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, giếng khơi của người dân đột ngột mất nước. Nhiều hộ dân phải đầu tư 1 - 1,5 triệu đồng để làm lại giếng, thay mô-tơ công suất lớn mới hút được nước ngầm lên mặt đất.
Mấy ngày trước đây, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam nhiễm mặn, đe dọa thiếu nước tưới hơn 600 ha lúa đông xuân ở huyện Duy Xuyên. Trạm bơm Tứ Câu, TP Đà Nẵng lấy nước từ sông Vĩnh Điện cũng bị nhiễm mặn với nồng độ gần 0,4%, nên nguồn nước tưới cho hơn 208ha lúa đông xuân của HTX 1, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đang thiếu trầm trọng. Chính quyền địa phương phải lắp thêm máy bơm cho 2 trạm dự trữ chống hạn ở Bàu Cung, Ao Trời và chạy máy 24/24 giờ để cứu lúa.
Vũ Văn Thắng
ĐBSCL: Báo động cháy rừng cấp 4 - 5 Những ngày qua, nắng nóng kéo dài làm diện tích rừng tràm ở An Giang, Kiên Giang, Cà Mau bị khô nước nhanh chóng, nguy cơ cháy cao. Đáng chú ý ở U Minh Hạ (Cà Mau), khoảng 36.000 ha rừng tràm đang trong tình trạng báo động cháy cấp 4, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngoài ra, còn trên 700 ha rừng trên cụm đảo hòn Khoai, hòn Chuối cũng rất dễ cháy. Ông Lê Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết: Tỉnh đang tập trung, dốc toàn lực, canh phòng nghiêm ngặt nhằm bảo vệ rừng tràm, ngăn chặn và khống chế kịp thời các vụ cháy. Tuy nhiên, hiện có trên 6.000 hộ dân quanh khu vực rừng tràm, đời sống còn khó khăn nên vào rừng khai thác các sản phẩm từ rừng. đây là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2010, diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá lên tới 1.210,8 ha, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.029,4 ha, gấp 7,2 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 181,4 ha, giảm 42%. C.Phong - N.Trần - A.Thư |