Miền Trung: Ngư dân khát vốn đóng tàu lớn

Các tỉnh, thành miền Trung đang cố gắng hiện đại hóa, nâng công suất, đóng mới và cải hoán tàu thuyền để nâng hiệu quả đánh bắt, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ mong muốn có những con tàu lớn để vươn khơi xa, bám biển dài ngày.
Miền Trung: Ngư dân khát vốn đóng tàu lớn

Các tỉnh, thành miền Trung đang cố gắng hiện đại hóa, nâng công suất, đóng mới và cải hoán tàu thuyền để nâng hiệu quả đánh bắt, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ mong muốn có những con tàu lớn để vươn khơi xa, bám biển dài ngày.

        Nhu cầu cao

Muốn đóng mới một chiếc tàu công suất từ 90CV trở lên, phải mất từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng; cải hoán thì cần ít nhất 200 triệu đồng tùy trọng lượng, công suất máy... Với mức giá như thế, nhiều ngư dân chưa dám nghĩ một ngày nào đó tàu cá của họ sẽ đến được vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hay các vùng biển lớn khác.

Anh Nguyễn Linh ở Khu tái định cư (TĐC) Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có ghe đánh bắt ven bờ bảo rằng: “Muốn ra Hoàng Sa một lần cho biết. Nhưng với loại ghe này, làm sao đi được?”. Nói xong, anh Nguyễn Linh chỉ vào chiếc ghe công suất 20CV sử dụng để đi câu mực, đánh bắt cá cách bờ từ 10 - 20 hải lý rồi tính toán: “Nếu muốn đánh bắt ở Hoàng Sa, phải đầu tư khoảng 300 triệu đồng để nâng công suất máy lên 90CV. Tàu nhỏ, sổ đỏ không đủ điều kiện thế chấp ngân hàng, còn vay “nóng” lỡ đánh bắt không hiệu quả, trả lãi cũng chóng mặt. Tính lên tính xuống không ra, thế là chấp nhận đánh bắt ven bờ với chiếc ghe nhỏ”.

Có điều kiện hơn anh Nguyễn Linh, ngư dân Nguyễn Tấn Cư ở xã Bình Châu liều đóng mới chiếc tàu cá công suất trên 400CV, với số tiền vốn hơn 2 tỷ đồng. Có điều, ông Nguyễn Tấn Cư phải vay mượn, thậm chí vay ngắn hạn với lãi suất cao. Sao không vay ngân hàng? Ông Nguyễn Tấn Cư bảo lãi suất ngân hàng có thấp nhưng đi lại nhiều lần, thủ tục đủ thứ mà ông cũng chẳng có tài sản thế chấp.

Muốn có hơn 2 tỷ đồng để đóng mới tàu hai máy công suất 350 CV, nhưng nhiều ngư dân không biết xoay đâu ra vốn.

Muốn có hơn 2 tỷ đồng để đóng mới tàu hai máy công suất 350 CV, nhưng nhiều ngư dân không biết xoay đâu ra vốn.

Tiếp cận ngân hàng khó, nhiều ngư dân đã chọn cách tạm ứng của “đầu nậu”, vay “nóng” để có tàu, có nhiên liệu đi biển hay cải hoán, đóng mới. Mặc dù ai cũng biết hệ lụy đi kèm sự lựa chọn trên là lãi đẻ lãi, “đầu nậu” ép giá thu mua sản phẩm...

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch huyện Lý Sơn, bảo ngư dân luôn muốn đóng tàu lớn, có thể đánh bắt cả vào mùa đông. Nhưng nguồn vốn ngân hàng cho vay lãi suất cao lại phải thế chấp. Ngư dân nghèo, tài sản thế chấp chỉ là nhà cửa, đất đai giá trị thấp, lại chỉ được ngân hàng cho vay khoảng 30% giá trị nên ở Lý Sơn lâu nay đóng tàu bằng nguồn vốn tự xoay xở, vốn cổ phần từ nhiều bạn tàu và vay nóng của các đầu nậu... Do đó, lợi nhuận đánh bắt không cao do bị ép giá, ép cân...

“Ngư dân kiến nghị nhà nước cho vay các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và khoảng 50% giá trị đóng tàu sẽ làm ăn có lãi, trả được nợ” - ông Trần Ngọc Nguyên nói.

Cùng quan điểm trên, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), cho biết trước đây đóng tàu loại 600CV cần 2 tỷ đồng, nay phải tốn 4 tỷ đồng. “Nhà nước cho ngư dân vay 50% vốn là đóng được tàu mới công suất lớn, bà con sẽ yên tâm bám biển dài ngày không sợ thời tiết thất thường cũng như nước ngoài uy hiếp”, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh tâm sự.

Gần 20 năm gắn bó với nghề biển, sở hữu đôi tàu trị giá hơn 4 tỷ đồng, chuyên hành nghề câu mực khơi, anh Phạm Văn Trung ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có nhu cầu muốn vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để sửa chữa, cải hoán 1 trong 2 chiếc tàu của mình từ nghề câu mực khơi sang nghề lưới mành xa bờ.

Thế nhưng đến nay việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của gia đình anh Trung cũng như của nhiều hộ ngư dân khác ở vùng biển này vẫn còn xa vời. Để cải hoán nhằm chuyển đổi ngành nghề cho 1 trong 2 chiếc tàu của mình anh Trung phải vay mượn của bạn bè, người quen gần một tỷ đồng với lãi suất cao.

        Để ngư dân vươn ra biển lớn...

“Rất mong ngân hàng kéo dài thời gian cho vay vốn từ 3 - 5 năm. Hiện mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ đi - về mất hết khoảng 20 tấn dầu (trên 400 triệu đồng), chưa kể các khoản chi phí khác. Trong khi đó, việc hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân chưa thỏa đáng. Nhiều tàu thuyền đi 4 chuyến/năm có giấy tờ hợp lệ, ra vào cửa đều có sự quản lý của cảng, nhưng chỉ nhận được có 2 chuyến hỗ trợ, mỗi chuyến 60 triệu đồng...” - ngư dân Huỳnh Kim Nhựt (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi - một trong những địa phương có số tàu được cải hoán, đóng mới tăng nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây (hơn 50 chiếc), cho rằng vươn khơi xa là hướng đi tất yếu. Nhưng để ngư dân vươn ra được biển lớn, nhất thiết phải có cơ chế mở về vốn, giảm lãi suất vốn vay, khoanh nợ, có thể hỗ trợ đối với những tàu đóng mới có công suất từ 400CV trở lên.

Còn theo ông Phùng Đình Toàn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá, thành viên Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã huy động được 30 tỷ đồng. Hiện đã giải quyết cho 5 trường hợp ngư dân vay vốn đóng tàu, tổng cộng khoảng 5 tỷ đồng, có thu hồi vốn và thu phí 3%/năm. Mỗi tàu đóng mới chỉ được vay từ 400 - 600 triệu đồng. Do nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân rất cao, trong khi nguồn quỹ lại ít, nên hiện chỉ mới giới hạn giải quyết cho các chủ tàu cá bị nạn ở Hoàng Sa, Trường Sa hoặc bị nước ngoài bắt giữ, đập phá tàu...

Ngư dân Trần Bùi (Đức Phổ, Quảng Ngãi) phải vay “nóng” gần 200 triệu đồng với lãi suất cao để kịp thời sửa chữa tàu cho mùa đánh bắt mới. Ảnh: HÀ MINH

Ngư dân Trần Bùi (Đức Phổ, Quảng Ngãi) phải vay “nóng” gần 200 triệu đồng với lãi suất cao để kịp thời sửa chữa tàu cho mùa đánh bắt mới. Ảnh: HÀ MINH

Trong khi đó, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam, cho biết nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh hiện cũng khoảng 30 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 20 tỷ đồng, còn lại là kêu gọi đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Quỹ đang đề nghị ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ thêm 10 tỷ đồng trong năm 2014. Đến nay, quỹ đã giải quyết cho 5 trường hợp vay đóng mới tàu cá có công suất từ 650 - 670CV, mỗi chủ tàu vay từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng (50% kinh phí đóng tàu), với mức phí 2%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 15 tàu có công suất từ 90CV trở lên được đóng mới. Con số này rất thấp so với kỳ vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá của tỉnh Quảng Nam.

“Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu đóng mới tàu cá công suất lớn của ngư dân là rất cao và họ rất cần được hỗ trợ vốn. Dự kiến năm 2014, quỹ sẽ hỗ trợ ngư dân đóng mới 14 tàu và năm 2015 là 12 tàu. Chúng tôi đang tính phương án sẽ hợp vốn với ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu, số chênh lệch vốn, về lãi suất vay vốn, nguồn quỹ sẽ hỗ trợ ngư dân” - ông Ngô Tấn cho biết.

Ngư dân ở miền Trung nếu được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tại TP Đà Nẵng: Đã ưu tiên hỗ trợ ngư dân trên địa bàn đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất từ 400CV trở lên để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày tại các vùng biển xa. Mức hỗ trợ theo quy định cho tàu từ 400CV đến dưới 600CV là 500 triệu đồng; từ 600CV đến dưới 800CV là 600 triệu đồng và tàu 800CV trở lên là 800 triệu đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, tại TP Đà Nẵng có 4 tàu đang được đóng mới với số tiền hỗ trợ tương ứng là 2,8 tỷ đồng. Đây là cách làm sáng tạo để “chuẩn hóa” nghề cá của Đà Nẵng đang được ngành nông nghiệp các địa phương tiếp thu.

Tại Bình Định: Từ đầu năm đến nay, có gần 280 tàu cá công suất lớn được đóng mới và cải hoán với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết năm 2013, do khan vốn từ ngân hàng và hạn chế từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước nên tỉnh tiếp tục vận động ngư dân huy động nhiều nguồn vốn để đóng mới thêm nhiều phương tiện tàu thuyền có công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ và khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu thuyền cũ để vươn khơi xa, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục