Miền Trung: Nỗi lo từ trẻ đuối nước

Miền Trung: Nỗi lo từ trẻ đuối nước

Mùa hè bắt đầu cũng là thời điểm miền Trung bước vào những tháng cao điểm của nắng nóng. Những hồ ao, sông suối, bãi biển… là địa chỉ lý tưởng để giải nhiệt. Tuy nhiên, đây lại là những cái bẫy rất dễ dẫn đến những tai nạn thương tâm khi không có người lớn đi cùng hoặc những em nhỏ không biết bơi. Chỉ mới đầu mùa nóng năm nay, ở miền Trung, đã có hàng chục trẻ em bị đuối nước.

Những cái chết thương tâm

Đó là buổi chiều định mệnh 22-5, sau khi tổng kết năm học, một nhóm gồm 5 học sinh lớp 9 ở Trường THCS Tịnh Giang (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) rủ nhau bơi ghe ra giữa sông Trà để tắm. Tuy nhiên khi chèo đến đoạn nước sâu, ghe bị lật úp khiến cả nhóm rơi xuống sông. Hai trong số đó đã may mắn bơi vào bờ, 3 em còn lại do không biết bơi nên chết đuối. Mới đây nhất, em Nguyễn Thị Hồng Vân (7 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) ra biển tắm một mình khi thủy triều cạn. Do không có người nhà đi kèm, em Vân đã trượt chân xuống hố sâu chết đuối.

Trẻ em tắm sông phải cósự quan tâm của gia đình. Ảnh: HÀ MINH

Trẻ em tắm sông phải cósự quan tâm của gia đình. Ảnh: HÀ MINH

Không chỉ ở Quảng Ngãi, vụ việc 5 học sinh là anh em họ hàng bị chết đuối trên sông Hiếu (Quảng Trị) mới đây khiến mọi người sững sờ. Tiếng gào khóc không ngớt từ xóm nghèo bờ sông Hiếu, đoạn cuối đổ vào biển Cửa Việt khiến không ai có thể cầm lòng. Trong đó, đau lòng nhất có lẽ là ông bà Lê Văn Con. Cùng một lúc, ông Con (80 tuổi) mất cả 4 đứa cháu nội.

Ngay huyện miền núi như Hướng Hóa của tỉnh này, cũng xảy ra vụ việc trẻ em bị đuối nước. Khoảng 14 giờ chiều ngày 26-5, anh Lê Bá Chất, 41 tuổi và con gái Lê Thị Huyền My, 15 tuổi, cùng trú tại thôn Bích La Đông, xã Tân Thành lội qua sông Sê Pôn lên nương thu hoạch chuối. Đến chiều tối, người nhà không thấy hai bố con trở về nên đi tìm và phát hiện thi thể anh Chất cùng con gái dưới sông Sê Pôn, cách vị trí lội qua bờ bên kia khoảng 100m.

Cho trẻ học bơi

Thông thường, gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ tốt nhất, nhưng một thực tế là hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm, quản lý và giám sát trẻ đúng mức do bận rộn kiếm sống. Đây cũng là yếu tố khiến nguy cơ đuối nước với trẻ dễ xảy ra, nhất là trẻ sinh sống ở ven sông, biển. “Để đề phòng đuối nước cho trẻ thì cách tốt nhất là dạy trẻ bơi và những kỹ năng phòng tránh hay cấp cứu khi bị đuối nước, gặp nguy hiểm. Các khu vực ao hồ, sông suối... cần có các biển báo nguy hiểm, cấm các em học sinh xuống tắm”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nhận định sau vụ 3 em học sinh bị nạn trên địa bàn.

Để bảo vệ tính mạng của các trẻ nhỏ, các địa phương, các hội đoàn thể và các gia đình, các bậc phụ huynh phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình cho con, em tham gia học bơi để tự bảo vệ mình. Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; rào chắc chắn quanh ao, hố nước, để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống nước; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, chum vại, bể nước. Học sinh đi đò đến trường phải có phao áo cứu sinh, phương tiện phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu hộ... Có như vậy công tác phòng chống đuối nước trẻ em mới đạt hiệu quả cao.

Hiện nhiều địa phương đã chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu tắm biển, bể bơi, sông hồ. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức và mức độ an toàn khi tham gia tắm biển, bơi lội tại các sông, hồ và hướng dẫn các tình huống xử lý cứu nạn, cứu đuối và sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

HÀ MINH - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục