Miền Trung: Nông dân bỏ ruộng

Hiện tại các tỉnh miền Trung đang chứng kiến cảnh nông dân bỏ ruộng đáng báo động. Riêng tại 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, có đến hàng ngàn hộ nông dân bỏ ruộng. Làm nông nghiệp lỗ nặng khiến người nông dân không mặn mà với đồng ruộng…
Miền Trung: Nông dân bỏ ruộng

Hiện tại các tỉnh miền Trung đang chứng kiến cảnh nông dân bỏ ruộng đáng báo động. Riêng tại 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, có đến hàng ngàn hộ nông dân bỏ ruộng. Làm nông nghiệp lỗ nặng khiến người nông dân không mặn mà với đồng ruộng…

        Hàng ngàn hécta ruộng bị bỏ hoang

Theo báo cáo số 2883/SNN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh về tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng gửi Bộ NN-PTNT, tổng diện tích bỏ ruộng là 1.309,75ha, tổng số hộ nông dân bỏ ruộng là 7.578 hộ. Tổng diện tích trả ruộng là 109,45ha, tổng số hộ nông dân trả ruộng là 1.265 hộ. Toàn tỉnh có 59 xã có hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng.

Chúng tôi về xã Trường Lộc (xã có tổng diện tích tự nhiên 462,30ha, trong đó đất nông nghiệp 331,3ha, chiếm 70,40%), là một trong những vựa lúa lớn của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khoảng từ 2 đến 3 vụ mùa trở lại đây, số hộ nông dân chủ động viết đơn xin trả lại ruộng cho chính quyền xã khá đông với tổng diện tích lên đến hàng chục hécta.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng thôn Tân Tiến, dẫn chúng tôi đến cánh đồng Cộ, Điếm, Làng Trại… Ông nói: “Đây là những cánh đồng có ruộng bị bỏ hoang nhiều nhất, cỏ dại đã phủ kín rồi. Tôi làm trưởng thôn mà cũng không biết làm sao. Riêng vụ lúa xuân vừa rồi, toàn thôn đã có hơn 15 đơn của nông dân xin trả ruộng; vụ hè thu tiếp tục có hơn 10 đơn xin trả ruộng. Cứ cái đà này, ít năm nữa ruộng sẽ bỏ hoang hóa hết”.

Trong khi đó, tại Quảng Bình đã có hơn 750ha ruộng lúa bị bỏ hoang. Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Ánh, cho biết: “Huyện có 360ha lúa bị người dân bỏ trong vụ hè thu này. Dân không mặn mà với ruộng đồng như ngày xưa”. Tại huyện Lệ Thủy, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Mọi năm bà con tham gia làm ruộng lúa hè thu hơn 4.500ha, năm nay chỉ còn 1.400ha. Nguyên nhân do người dân thấy bỏ nhiều công sức, lỗ nặng nên bỏ ruộng không làm”.

Vùng ruộng xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình hoang hóa thành nơi thả lưới bắt cá. Ảnh: MINH PHONG

Vùng ruộng xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình hoang hóa thành nơi thả lưới bắt cá. Ảnh: MINH PHONG

        Hiệu quả thấp, thua lỗ triền miên

Theo tính toán của nhiều nông dân Hà Tĩnh, chi phí để sản xuất 1 sào ruộng (sào Trung bộ 540m2) hiện nay hết 1,5 triệu đồng, nếu sản lượng thu được 2,7 tạ, với giá lúa như hiện nay, người nông dân chỉ lãi được 100.000 đồng/sào, trong khi đó có hàng chục khoản phí khác được thu theo đầu sào và theo hộ khá cao, bình quân 1 triệu đồng/sào/năm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, chi phí mỗi sào lúa hơn 1,4 triệu đồng, chưa kể các loại thu khác như an ninh nội đồng, thủy lợi, kênh mương, phí bảo vệ ruộng lúa... nên chẳng lời được bao nhiêu. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết dân để 8.000ha lúa tái sinh, không làm là có lý của dân. Loại ruộng này chỉ bỏ ít đạm, 40 ngày thu hoạch, mỗi hécta cũng cho được 26 - 27 tạ nên dân cứ thế ngó lơ lúa chính vụ.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng thôn Tân Tiến, xã Trường Lộc (Hà Tĩnh), cho biết nguyên nhân khiến người dân Trường Lộc viết đơn trả ruộng ngày càng nhiều là do họ đi xuất khẩu lao động sang Thái Lan, Lào, Malaysia hay vào TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Nguyên, Hà Nội… làm thuê, thu nhập cao hơn làm ruộng.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho rằng cần quy hoạch những vùng bờ thửa trồng lúa đặc sản cho giá bán cao để nông dân có lãi. Trong khi đó, theo ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cần tích cực dồn điền đổi thửa, nơi nào trồng lúa cần phát triển lúa có chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu, nơi nào cần duy trì an ninh lương thực thì nhà nước phải can thiệp giá cả hỗ trợ nông dân. Một nông dân cho rằng, chính những loại phí, thuế vô lý của thôn, xã làm nông dân điêu đứng thêm nên bỏ ruộng ngày càng nhiều là vì thế.

Hiện các địa phương ở miền Trung đang đề nghị nhà nước cần có chính sách bình ổn giá đầu vào các loại vật tư, xây dựng quỹ bình ổn giá đầu ra của các nông sản để nông dân yên tâm sản xuất, có cơ chế ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của người nông dân, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp…

MINH PHONG - DƯƠNG QUANG

Dự án mía đường KCB tại Thừa Thiên - Huế phá sản vào đầu năm 2000 khiến người trồng mía tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không những lâm vào cảnh bế tắc nợ nần mà còn bỏ hoang hơn 250ha đất nông nghiệp màu mỡ chuyển sang trồng mía nay bị hoang hóa, nhiễm mặn. Phần lớn người dân ở đây đã rời quê, bỏ ruộng vì không tìm đâu ra tiền cải tạo đất nhiễm mặn, khô cằn nên đi tha phương cầu thực tại các tỉnh phía Nam và sang cả nước bạn Lào.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục