Miền Trung: Nông dân kỳ vọng vụ tết

Bão lũ cuối năm 2013 cuốn trôi gia súc, gia cầm và cả rau màu ở miền Trung nuôi trồng chuẩn bị bán tết. Thiên tai đi qua, người dân nơi đây lại nhanh chóng khôi phục sản xuất để kịp cung ứng nguồn hàng tiêu dùng trong những ngày Tết Giáp Ngọ sắp tới.
Miền Trung: Nông dân kỳ vọng vụ tết

Bão lũ cuối năm 2013 cuốn trôi gia súc, gia cầm và cả rau màu ở miền Trung nuôi trồng chuẩn bị bán tết. Thiên tai đi qua, người dân nơi đây lại nhanh chóng khôi phục sản xuất để kịp cung ứng nguồn hàng tiêu dùng trong những ngày Tết Giáp Ngọ sắp tới.

        Đất trả bù

Hàng ngàn gia đình trồng rau xanh ở các tỉnh, thành miền Trung đang kỳ vọng vụ cuối năm sẽ bội thu. Ai nấy đều tập trung trồng cải canh, cần tây, húng tàu, xà lách búp, hành ngò… là những thứ thị trường tết cần. Tại xã Quảng Thành, huyện “rốn lũ” Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khác cảnh bì bõm trong lũ chồng lũ gây ngập lụt chạm nóc nhà, gà heo chết trôi nổi từng bầy gần hai tháng trước, dọc sông Bồ nay đã thay bằng màu xanh mơn mởn của những luống rau xà lách, cải, tần ô, mồng tơi pha màu rau dền đỏ mướt làm sắc xuân thêm tươi.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Trưởng thôn Thành Trung, xã Quảng Thành cho biết, trận lũ sau bão Haiyan đi qua, phù sa phủ đầy ruộng vườn, người dân với phương châm “trời hành bắt đất trả bù” đã tranh thủ sớm khuya vun xới đất vườn, tận dụng cả những đám đất quanh giếng khơi, trước ngõ để gieo cải, xà lách hoặc trồng các loại rau xanh phục vụ thị trường tết. Hiện diện tích rau xanh toàn xã đạt hơn 60ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại làng Thành Trung (chiếm khoảng 40% diện tích). Bình quân có 8 tấn rau các loại ở Thành Trung bán ra thị trường mỗi ngày. Nhờ trồng rau, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Ông Lê Văn Lự, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chăm sóc vườn lan mokara phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Ông Lê Văn Lự, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chăm sóc vườn lan mokara phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Dạo quanh một số địa phương thiệt hại nặng nhất trong những đợt bão lũ cuối năm 2013 tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị những ngày đầu tháng Chạp, đến đâu cũng bắt gặp nông dân tất bật chạy đua với vụ tết. Tranh thủ trời hửng nắng sau hơn 10 ngày mưa rét, bà con đổ xô ra đồng cày xới, gieo trồng rau màu và hoa các loại. Gia đình chị Mai Thị Hòa, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong có nhà cửa bị sập, đồ đạc bị mất sạch trong đợt bão hồi cuối tháng 10 vừa qua cho biết, thời gian qua, gia đình chị sống nhờ vào gạo và tiền cứu trợ của Nhà nước. Để chuẩn bị lương thực cho gia đình trong kỳ giáp hạt, sau khi bão tan, lũ rút chị đã triển khai trồng rau màu ở cồn đất cao, đến nay hàng tuần thu hoạch bán được vài trăm ngàn đồng nên không còn sợ đói. Trong khi, anh Nguyễn Thành, ở thôn An Nhơn, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng lại sử dụng khoản tiền dành dụm trước đây và kinh phí hỗ trợ của địa phương để mua đàn vịt giống hơn 150 con về nuôi thả trên ruộng. Hơn 10 ngày nữa, đàn vịt chạy đồng của anh sẽ được xuất chuồng, dự kiến thu lợi khoảng 5 triệu đồng, đủ để gia đình ăn tết và mua sắm quần áo mới cho con cái.

        Kỳ vọng giống hoa xứ lạnh

Khác với người làm vườn ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định đứng trước một cái tết buồn vì hoa, cây cảnh bị bão lũ quật nát, người trồng hoa ở Thừa Thiên - Huế phấn khởi với vụ hoa tết bội thu nhờ nhập giống chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từng có kinh nghiệm trồng hoa nên ông Lê Văn Lự ở xã Phú Mậu được huyện Phú Vang chọn hỗ trợ trồng thí điểm 500 cây lan mokara trên diện tích 130m² với kinh phí đầu tư 60 triệu đồng. Đây là loài hoa quý, chỉ phù hợp với mô hình khép kín được che phủ bằng hệ thống lưới và ni lông. Sau 6 tháng ươm trồng, lan cho ra lứa hoa đầu tiên, bình quân 7 - 8 hoa/cây.

Lan mokara màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. Trên cánh hoa có chấm rất đẹp. Đặc biệt, lan mokara từ lúc ra hoa đến lúc tàn kéo dài hơn một tháng nên người trồng có thể chờ lễ, tết để bán với giá cao. Ông Lê Văn Lự chia sẻ, thị trường ưa chuộng, thương lái thu mua tại vườn 6.000 đồng/cành hoa, ước tính lợi nhuận 6 triệu đồng/100m2/vụ. Sắp tới, tôi tiếp tục nhân giống và phổ biến kỹ thuật giúp bà con trong vùng mở rộng diện tích phục vụ nhu cầu tiêu thụ.

Ngược lên hợp tác xã Hương Hồ 1 thuộc xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà ở phía thượng lưu sông Hương và xuôi về thị trấn Sịa cuối nguồn sông Bồ, người làm vườn ở đây đã trồng thành công các loài hoa xứ lạnh như tulíp và ly. Ông Nguyễn Đủ, Trưởng thôn Giang Đông, thị trấn Sịa cho biết, hoa ly nhập giống từ Hà Lan và sau vài vụ trồng thử nghiệm đã phát triển tốt. Những vườn hoa ly 40 ngày tuổi, cây mọc đều với chiều cao gần 1m, cho nhiều nụ lớn, sum suê. Thời tiết lạnh và kéo dài như hiện nay, vườn hoa này sẽ nở đều đúng dịp tết.

VĂN THẮNG - LAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục