Vụ lúa hè thu năm nay tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh nông dân có thể trắng tay do chuột, sâu bọ phá hoại hàng loạt.
Nhiều nơi mất trắng
Tại Quảng Trị, đã có hơn 6.000ha lúa bị chuột, sâu cuốn lá gây hại. Sâu cuốn lá có mật độ lên đến 100 con/m², chuột tàn phá cả ngày lẫn đêm khiến nông dân điêu đứng. Mật độ chuột nhiều đến mức cơ quan chức năng Quảng Trị thống kê trung bình có 5-15 con/m² lúa, có nơi 30-40 con/m² lúa.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, 2.000ha lúa hè thu của nông dân bị chuột và sâu bọ gây hại, trong đó có hơn 1.000ha bị chuột hoành hành. Tại thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Lý làm vụ hè thu 4 sào Bắc bộ, một nửa trong số đó bị chuột phá sạch trơn. Nhìn đám lúa hoang tàn, bà Lý than thở: “Vụ đông xuân phải gieo lại toàn bộ cũng vì chuột, vụ hè thu cũng gieo lại gần như toàn bộ vì chuột, chừ sắp đến ngày thu hoạch thì mất một nửa, coi như năm nay làm lúa không công”.
Tại xã An Ninh, ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã, cho biết, vụ hè thu địa phương gieo cấy được 300ha lúa thì mất trắng 200ha vì chuột. Ông Hồ Biên nói: “Tui làm 10 sào, mất một nửa, chẳng có đồng lãi nào từ vụ mùa này. Hai vụ mất mùa rồi thì làm răng mà sống, lũ chuột ngày càng nhiều, nhìn chúng chí chóe giữa ruộng, thấy người như không”. Ông Đồng cho biết thêm: “Nỗ lực địa phương và người dân rất lớn nhưng chúng tàn phá quá dữ khiến nhiều cánh đồng mất trắng, chắc phải nhờ huyện giúp đỡ lương thực đến mùa giáp hạt”.
Trên cánh đồng các xã dọc huyện Bố Trạch, nhìn nhiều vạt lúa loang lổ mà xót ruột. Ông Nguyễn Văn May ở xã Đồng Trạch nói: “Chưa bao giờ người đi mót lúa sau chuột, chỉ có chuột đi mót lúa của người, rứa mà chừ chuột nó làm chủ ruộng phải mót về cho gà, cho vịt”.
Ông Nguyễn Tống Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, tính đến thời điểm này nạn chuột đồng sinh trưởng hoành hành trên diện rộng đã gây thiệt hại cho 255ha lúa vụ hè thu 2013 trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Hà Tĩnh.
Mỗi ngày diệt hàng tấn chuột
Dù nông dân ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh sử dụng đủ phương cách diệt chuột từ truyền thống đến cả chích điện tiêu diệt hàng tấn chuột mỗi ngày nhưng vẫn không đua được với tốc độ sinh sản của chúng. Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã phát động bà con nông dân, các trường học tổ chức các đợt ra quân diệt chuột bằng phương pháp thủ công, như dùng bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dính…; sử dụng bả diệt chuột sinh học, thuốc sinh học, hóa học. Đặc biệt, để khuyến khích người dân, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ thu mua từ 1.000 đến 2.000 đồng/đuôi chuột. Điển hình là thị xã Hồng Lĩnh, chỉ sau thời gian ngắn phát động, toàn thị xã đã diệt được hơn 100.000 con chuột.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã An Ninh (Quảng Bình) cho biết, đã trích ngân sách xã 200 triệu đồng hỗ trợ dân mua hàng tấn bã chuột, mỗi ngày dân diệt đến 5 tạ chuột nhưng chúng vẫn đông nhung nhúc. Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh (Quảng Bình) Nguyễn Văn Thế cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, người dân trong xã diệt được hơn 30.000 con chuột. UBND xã Vạn Ninh và các HTX dịch vụ nông nghiệp “mua chuột” giá 1.400 đồng/con. Trong khi đó, tại các cánh đồng của các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Cầm Xuyên, Đức Thọ... (Hà Tĩnh), người dân cũng ra quân diệt chuột với hàng tạ mỗi ngày/xã nhưng chuột vẫn không hề giảm.
Trong khi đó tại Quảng Trị, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã cấp 3 tấn thuốc diệt chuột sinh học và 1.000 bẫy kẹp bán nguyệt cho các huyện, thị xã phục vụ công tác diệt chuột với mong muốn cứu vãn lúa vụ hè thu, nhưng nông dân vẫn vất vả và mất trắng nhiều diện tích lúa do không kiểm soát được.
Nguyên nhân chuột bùng phát đột biến trong năm 2013 là do cuối năm 2012 tại miền Trung không xuất hiện đợt lũ nào để cuốn trôi, tẩy rửa chuột trong hang hốc của ruộng lúa khiến chúng có cơ hội sinh sôi nhanh chóng và trở thành “địch họa” cướp mùa màng của nông dân.
Chúng tôi rời các cánh đồng ở miền Trung, trên các thửa ruộng, trẻ em, người lớn, đàn ông, phụ nữ tất bật đi bắt chuột bằng đủ thứ cách, chuột nhiều từng xâu, chất đầy từng bao lác, nhưng hang hốc của chúng sau mỗi đêm vẫn như các mê cung làm nông dân càng thêm điêu đứng. Nói như Chủ tịch UBND xã An Ninh Nguyễn Văn Đồng: “Cái ăn trước khi trúng lúa đã phải lo, giờ mất trắng do chuột thì càng lo hơn. Lo vì khi lũ về, rồi rét đến, lúa gạo mô mà chống chọi với nước bạc”.
MINH PHONG - DƯƠNG QUANG