Mặc dù chỉ vừa bước vào mùa nắng nhưng nhiều tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã có nắng gay gắt. Các cánh rừng đứng trước nguy cơ cháy cao, ngành lâm nghiệp các tỉnh đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Hiểm họa cháy rừng
Các tỉnh miền Trung rừng thì nhiều, địa thế lại hiểm trở trong khi lực lượng bảo vệ và phòng chống cháy rừng lại mỏng nên cháy rừng luôn là nỗi ám ảnh. Còn nhớ mùa khô 2011, trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục xảy ra nhiều vụ cháy rừng dữ dội, trong đó có ngày của tháng 7-2011 xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy rừng, thiêu rụi hàng chục hécta rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa. Hiện cả 3 khu rừng trên luôn đứng trước nguy cơ cháy rừng.
Tại Bình Định, khu vực núi Bà Hỏa nằm giữa trung tâm TP Quy Nhơn luôn là một “điểm nóng” về nạn cháy rừng. Trong mùa khô năm 2011, khu vực này đã xảy ra hàng chục vụ cháy. Gần đây nhất, chiều ngày 7-3-2012, núi Bà Hỏa xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ khiến 1ha rừng cây keo lá tràm từ 7 – 8 năm tuổi do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn quản lý bị thiêu rụi. Vì khu vực núi Bà Hỏa nằm sát khu dân cư nên mỗi khi xảy ra cháy rừng là đe dọa đến hàng ngàn hộ dân trong khu vực. Các cánh rừng thuộc dãy Trường Sơn đi qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… cũng đứng trước nguy cơ cháy rừng rất cao trong mỗi mùa nắng nóng đến.
Chữa cháy rừng: Thiếu và yếu
Diện tích rừng rất lớn, trong khi lực lượng bảo vệ và phòng chống cháy rừng lại rất ít, phương tiện thô sơ nên mỗi khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy mất nhiều thời gian bởi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể tiếp cận được hiện trường vì địa hình hiểm trở.
Quảng Ngãi có 165.000ha rừng trồng. Đây là số diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, đáng lo ngại nhất trong khi hầu hết diện tích rừng đó gần dân cư hoặc giáp ranh với rừng tự nhiên với diện tích trải dài trên 12 huyện nên khi xảy ra cháy việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn do bụi rậm và không có đường giao thông. Ông Lê Văn Hân, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, cho biết: Hiện tỉnh này đang phân vùng trọng điểm và hoàn chỉnh các bản đồ khoanh vùng ở 104 xã có nguy cơ cháy rừng cao. Hiện đang tiếp tục sàng lọc, rà soát để xác định đúng vị trí các điểm có nguy cơ cháy để tổ chức các biện pháp với phương châm phòng là chính.
TP Đà Nẵng có đến 60.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 40.000ha. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm và các tổ, đội bảo vệ và phòng chống cháy rừng chỉ dừng lại con số khiêm tốn: 100 người và 28 máy thổi gió cầm tay. Nếu tính bình quân, mỗi nhân viên bảo vệ và phòng chống cháy rừng phải “gánh” 600ha rừng, mỗi máy thổi gió phải đảm nhiệm gần… 2.200ha rừng. Vì thế, khi cùng lúc xảy ra cháy rừng tại nhiều điểm thì nỗ lực chữa cháy rừng của lực lượng này chỉ là “muối bỏ bể”. Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết việc chữa cháy rừng chủ yếu dựa vào sức dân, lực lượng kiểm lâm, các tổ, đội phản ứng nhanh và lực lượng quân đội, dân quân địa phương… Vì vậy, địa phương đề cao công tác tuyên truyền, phòng cháy rừng trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy rừng xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, để tăng cường công tác PCCC rừng, tháng 2-2012, UBND TP Quy Nhơn có văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước – TP Quy Nhơn đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và PCCC rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép… Lãnh đạo TP Quy Nhơn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, PCCC rừng, đặc biệt chú trọng khu vực dân cư sống gần rừng.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết giữa tháng 2-2012, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở NN-PTNT chủ trì thực hiện phương án PCCC rừng tỉnh giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng. Phương án này bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2012-2015, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực chỉ huy PCCC rừng; nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCC rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên ngành PCCC rừng và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCC rừng; xây dựng công trình PCCC rừng, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho các hoạt động PCCC rừng…
Nguyên Khôi – Hoàng Trọng