Ngày 20-5 được xem là ngày nắng nóng nhất của đợt nắng nóng kéo dài trong gần 1 tuần qua ở miền Trung. Cuộc sống của người dân hầu như bị đảo lộn hoàn toàn. Nắng nóng đã làm cho sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Bỏ nhà đi tránh nóng
Bãi biển, công viên, siêu thị… là những nơi người dân miền Trung chọn để trốn cái nắng nóng gay gắt trong những ngày qua. Tại Đà Nẵng, ngay từ giữa trưa, nhiệt độ trong nội thị lên đến gần 40°C, khiến người dân cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Nhiều nhà không có máy điều hòa đã chọn cách tránh nắng nóng bằng cách chạy vô các siêu thị.
Chị Hoàng Thị Tuyết, nhà ở đường Quang Trung (Đà Nẵng), cho biết: “Nhà nằm trong hẻm lại lợp tôn nên đến khoảng 11-12 giờ trưa là nóng như đổ lửa. Không ai trong nhà chịu nổi. Mấy hôm nay đến trưa thì cả nhà đóng cửa đi tránh nóng. Tôi thì bồng đứa con nhỏ vào siêu thị để trốn nóng. Còn ông bà già tôi thì mang cơm, nước ra bờ sông Hàn”...
Trong khi đó, tại các bãi biển ở Đà Nẵng như: Phạm Văn Đồng, T20, Mỹ Khê, Xuân Thiều, Non Nước… ngay từ giữa giờ chiều hàng chục ngàn người dân và du khách đổ dồn đến để tắm biển, tránh nóng, gây nên tình trạng quá tải. Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày có đến hơn 30.000 người đến các bãi biển tắm, nghỉ ngơi.
Tại Thừa Thiên - Huế, nắng nóng còn gây gắt hơn. Người dân TP Huế và trung tâm thị xã Hương Trà và Hương Thủy lại nườm nượp đổ ra biển trốn nóng. Trên các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh... ngày nào cũng chật kín người. Lượng người đổ ra biển hóng mát quá lớn, dịch vụ “ăn theo” như giữ xe, hàng quán và dịch vụ cho thuê phao bơi… mọc lên như nấm.
Tại bãi biển Thuận An, có lúc “cháy” dịch vụ cho thuê ghế và phao bơi. Ở 2 bên bờ sông Hương cũng được người dân và sinh viên tận dụng tối đa để tránh nắng nóng.
Do trời nắng nóng, người dân đổ xô đi mua máy quạt, máy điều hòa nhiệt độ khá nhiều. Một chủ cửa hàng điện máy trên đường Phan Đình Phùng (Đà Nẵng), cho biết: “Lượng máy quạt, máy điều hòa nhiệt độ bán ra trong mấy ngày qua tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường...”.
Khó khăn cho sản xuất
Nắng nóng kéo dài gần một tuần qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại Bắc miền Trung. Trong đó, những vùng chuyên canh rau màu và nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại nặng. Tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng nóng đã làm nhiều loại rau bị táp và héo cụp lá, sản lượng đều bị sụt giảm quá một nửa, một số diện tích bị chết, phải làm đất gieo lại.
Bà Lê Thị Hoa, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho biết, để cứu một sào rau cải bẹ, ngoài việc bỏ thêm chi phí căng bạt, che lưới, làm giàn che, gia đình bà vừa đầu tư thêm gần 2 triệu đồng khoan giếng và mua thêm một máy mô-tơ tưới nước cho rau. Tuy nhiên, mọi giải pháp đều tỏ ra mất tác dụng khi thời tiết nắng nóng ngay từ 7 giờ đến 18 giờ mỗi ngày.
Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cộng với những cơn mưa giông thay đổi môi trường đột ngột khiến các loại dịch bệnh làm chết tôm nuôi như hội chứng đầu vàng, đốm trắng... phát triển mạnh. Đã có hàng trăm hécta tôm thẻ chân trắng và tôm sú tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vừa thả nuôi đã bị nhiễm bệnh, chết trắng hồ.
Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật về tận các ao, hồ nuôi tôm cá, cua hướng dẫn bà con ngư dân các biện pháp phòng bệnh, hạn chế không để dịch bệnh lây lan sang các hồ nuôi tôm khác. Đồng thời, khuyến cáo bà con ngư dân cần thường xuyên kiểm tra ao hồ nuôi, tuân thủ quy trình thay nước để các diện tích tôm, cá, cua phát triển tốt.
Hiện nay, nắng nóng còn gây nên một khó khăn làm cho hàng vạn nông dân ở miền Trung lo lắng. Theo lịch thời vụ, đây là thời điểm người dân tập trung làm đất, tiến hành gieo sạ vụ lúa hè thu. Nhưng, nắng nóng như đổ lửa đã làm cho người dân không dám ra đồng từ 9 giờ đến 15 giờ.
Ông Phạm Văn Luận, nhà ở Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), lo lắng: Theo thông báo của HTX, bà con tập trung làm đất, dọn bờ để ngày 23-5 đổ nước. Nhưng mấy ngày qua, nắng nóng quá chúng tôi không dám ra đồng. Đã có mấy trường hợp bị say nắng ngất xỉu ngoài đồng. Để kịp thời vụ thay vì làm ban ngày thì nhiều người đã mang đèn ra làm đất vào ban đêm.
NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG
| |