Miền Trung sẵn sàng ứng phó với lũ lớn

Miền Trung sẵn sàng ứng phó với lũ lớn

(SGGPO).- Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, nên ngày từ ngày 5 đến sáng nay, 7-10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Đến sáng nay lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên đang lên. Mực nước trên các sông đang ở mức trên BĐ1, BĐ2, có nơi trên BĐ2. Lũ dâng đã làm cho nhiều vùng hạ lưu bị ngập lụt, một số nơi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Dự báo, đến chiều tối nay, lũ trên các sông ở miền Trung và Tây Nguyên sẽ đạt đỉnh.

Mưa lũ đã làm nhiều vùng hạ lưu ở Quảng Nam bị chia cắt. Ảnh: Nguyễn Hùng

Mưa lũ đã làm nhiều vùng hạ lưu ở Quảng Nam bị chia cắt. Ảnh: Nguyễn Hùng

Mưa lớn trong nhiều ngày qua cũng đã làm cho nhiều tuyến giao thông ở các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi và tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng, nhiều khu vực bị chia cắt. Ngay trong sáng nay, các đơn vị chức năng đã huy động công nhân cùng máy móc thiết bị tổ chức khắc phục, nhằm sớm thông tuyến.

Cũng trong sáng nay, Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết, đến tối qua, các địa phương đã tổ chức sơ tán 5.137 hộ/19.074 người tại 18 huyện, thị đến nơi an toàn. Trong đó, Quảng Ngãi là 212 hộ; Bình Định 1.355 hộ/7860 người; Phú Yên: 3.570 hộ/11.214 người.

Nhờ làm tốt công tác này nên thương vong do bão số 7 gây ra đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Chỉ có 1 người bị thương là anh Trần Văn Hải (30 tuổi, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) khi chằng chống nhà cửa bị té ngã, chấn thương. Hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn.

Để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như quy trình xả lũ, một số hồ thủy điện trên địa bàn miền Trung đã bắt đầu xả lũ.

Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đang xả lũ với lưu lượng 2.400m³/s, thủy điện ĐăkMi 4 (Quảng Nam) xả lũ lúc 4h ngày 7-10 để duy trì hồ chứa tại mực nước đón lũ +255m. Nhiều hồ khu vực Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, Sêrêpốk) đã đầy và bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 50-1.500m³/s như Ialy, Pleikrong, Se San 3, Se San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4.

Để đảm bảo ngườn lương thực cho người dân phòng khi mưa lũ chia cắt, nhiều huyện miền núi đã chủ động dự trữ lương thực từ nhiều ngày trước.

Ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, huyện đã cấp phát 20 tấn gạo cho các xã, đủ khả năng dự trữ từ 10 - 15 ngày nếu có bão lũ, chia cắt. Các cơ số thuốc chữa bệnh thiết yếu cũng được chuẩn bị đầy đủ, các tuyến giao thông huyết mạch đã được kiểm tra gia cố đảm bảo sự đi lại an toàn cho nhân dân.

Tương tự, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cũng đã cấp phát 17 tấn gạo cho các xã dự trữ, các lực lượng xung kích đã được thành lập. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai thông tuyến nếu xảy ra sạt lở đất đá, gây ách tắt các tuyến giao thông huyết mạch.  

* Lúc 10 giờ sáng nay 7-10, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lũ trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu đều xấp xỉ báo động I. Ưu tiên hàng đầu của địa phương lúc này là tiếp tục theo dõi diễn biến và kịp thời xử lý tình hình sạt lở bờ biển, nhất là khu vực bờ biển xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Đồng thời, sẵn sàng di dời tại chỗ cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất.

Hiện mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, thường trực Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công điện yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, thị và TP Huế, các sở ban ngành trên địa bàn triển khai phương án đối phó với mưa lũ.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã và TP Huế, nhất là hai huỵên vùng núi Nam Đông và A Lưới chủ động dự trữ tại chỗ với tổng lượng hàng gồm 690 tấn gạo; 240 tấn mì ăn liền; 250.000 lít xăng dầu; cùng nhiều nước uống và hàng hoá thiết yếu khác để kịp thời ứng cứu khi có bão lụt xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các hồ thủy điện khi xả lũ phải thông báo rõ ràng đến từng cấp để thông báo cho người dân biết trước 30 giờ để kịp ứng phó. Phương án vận hành an toàn, đảm bảo lưu lượng nước về hạ du nhỏ hơn lưu lượng đến hồ mới có thể giảm lũ…

Trong khi đó, tại huyện miền núi A Lưới hiện có 986 hộ, 4.405 khẩu nằm ở vùng trũng sông suối có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, tuyến giao thông huyết mạch là quôc lộ 49A đang thi công nên nguy cơ xảy ra tình trạng đất đá sạt lỡ, gây gây ách tắc, chia cắt là rất cao.

Trước mắt, UBND huyện đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối, 50.000 gói mì tôm, xăng, dầu hơn 36.000 lít và một số phương tiện, thiết bị ứng cứu khác (Áo phao, phao cứu sinh, bao tải, rọ đá, cuốc xẻng...). Đồng thời, duy trì lực lượng kiểm tra và báo cáo về các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt và có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi đang thi công.

* Trưa 7-10, do mưa lớn và nước từ đầu nguồn đổ về nên lũ ở tại các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định đang lên, đều vượt báo động 1. Sông Kôn tại Thạnh Hòa, huyện An Nhơn đo được mực nước 6,18 m, trên báo động 1 là 0,18m. Dự báo từ chiều tối nay 7-10, lũ tại các sông sẽ tiếp tục dâng cao trên báo động 1 khoảng 0,5 m.
                  
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, hiện toàn tỉnh còn 6.000 ha lúa vụ 3 chưa thu hoạch và diện tích đổ ngã không đáng kể. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch đối với những diện tích lúa đã chín. Còn đối với đại đa số diện tích lúa vụ 3 còn lại mới chắc hạt và vàng, chờ khi nào chín mới thu hoạch. Riêng đối với những công trình hồ, đập chứa nước hiện đảm bảo an toàn đang đón lũ để tích nước. Trước bão số 7, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Ban quản lý các đập, hồ chứa nước đã xả nước đến mực nước chết… 
                  
Để ứng phó với bão và mưa lũ, ngày 6-10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định đã cấp 120 cơ số thuốc phòng chống bão lụt cho  các huyện huyện, thị xã, thành phố. Trong đó 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: TP. Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tuy Phước mỗi địa phương 100.000 viên Chloramin B, 5 huyện miền núi và trung du mỗi huyện 50.000 viên Chloramin B. Bên cạnh đó, Bộ Y tế hỗ trợ cho ngành Y tế tỉnh 20 cơ số thuốc, 100 áo phao, 1 triệu viên Chloramin B.

Các bệnh viện tuyến huyện đã tổ chức di dời bệnh nhân điều trị tại các khoa phòng chưa đảm bảo đến các vị trí an toàn trong bệnh viện; kho thuốc và các trang thiệt bị máy móc tại bệnh viện đều đã được kê gác lên cao và bảo vệ an toàn để đảm bảo công tác chăm sóc phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Hiện Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định và các địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến về tình hình mưa lũ để chỉ đạo các biện pháp đối phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Nguyễn Hùng - Văn Thắng 

- Thông tin liên quan:

>> Miền Trung và Tây Nguyên: Căng mình chống bão

>>Chiều tối nay, tâm bão vào miền Trung

Tin cùng chuyên mục