Miền Trung sau lũ: Vụ đông - xuân gặp khó

Đồng ruộng đầy cát
Miền Trung sau lũ: Vụ đông - xuân gặp khó

Đợt lũ nửa đầu tháng 11-2011 đã đi qua nhưng hậu quả để lại cho các tỉnh miền Trung thật nặng nề với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục người chết. Điều nông dân lo lắng nhất là ruộng đồng bồi lấp, thủy lợi hư hỏng và nguy cơ thiếu giống để tái sản xuất.

Người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cải tạo lại mặt ruộng do cát bồi lắp.

Người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cải tạo lại mặt ruộng do cát bồi lắp.

Đồng ruộng đầy cát

Lũ đã đi qua hơn một tuần, người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại tất bật ra đồng cải tạo đồng ruộng để vào vụ mùa mới. Nhưng chuyện “lũ đi qua, phù sa ở lại” không còn nữa mà thay vào đó 188,2ha đất nông nghiệp của huyện trở thành cánh đồng ngập cát và cát, có nơi lên hơn nửa mét.

Người dân làng Mỹ Phím (thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) vốn đã quá quen với lũ cả mấy chục năm qua, nhưng sau khi lũ rút, họ không còn tin vào mắt mình bởi đồng ruộng thành những bãi cát bồi. Đứng chống xẻng trên cánh đồng bồi cát trắng giữa trưa nắng, ông Trần Xâng (53 tuổi, làng Mỹ Phím) gương mặt đầy mồ hôi than thở: “Trước đây chờ lũ qua để hết chuột, phù sa bồi thêm màu mỡ ruộng đồng, nay lũ qua chỉ còn lại toàn cát”.

Theo ông Xâng, cánh đồng Mỹ Phím là một trong những “cánh đồng trăm triệu/ha” của huyện Đại Lộc, canh tác xen canh với các loại nông sản như ớt, đậu, ngô, đu đủ, khổ qua, bí đao… Nhưng nay, những loại cây màu trồng phục vụ tết vừa gieo xuống đã bị lũ cuốn sạch.

Anh Lê Thanh Minh, Bí thư chi bộ thôn 10 cho biết, toàn thôn Mỹ Phím có khoảng 20ha đất canh tác bị cát bồi lấp, khu vực nhiều nhất cao đến 0,5m. Trung bình mỗi năm, nông dân nơi đây thu được khoảng 12 triệu đồng/sào hoa màu, nếu bị cát bồi lấp thì năng suất sẽ giảm xuống hơn một nửa, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cùng cảnh ngộ với làng Mỹ Phím, những “cánh đồng trăm triệu” của huyện Đại Lộc nằm dọc sông Vu Gia như : Bàu Tròn (Đại An), Mỹ Hảo (Đại Phong), Đại Hưng… cũng bị cát bồi lấp nặng nề.

Bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường tỏ ra lo lắng: “Chúng tôi cùng người dân cố chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với đất cát nhưng việc chuyển đổi cũng chỉ là giải pháp tình thế để cải thiện được phần nào đời sống người dân chứ không thể đem lại thu nhập trước đây được”.

Thiếu giống

Nối tiếp là thiếu giống, mô-típ này cứ thường xuyên diễn ra tại các tỉnh miền Trung. Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, để sản xuất vụ đông - xuân, huyện Đại Lộc thiếu 100 tấn thóc giống, 10 tấn rau màu và 200 ngàn cây giống lâm nghiệp. Hiện địa phương đề nghị cấp trên hỗ trợ để bà con gieo sạ kịp vụ mùa.

Ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời điểm xuống giống vụ lúa đông - xuân 2011 chỉ còn một tuần nữa nhưng nông dân trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng thiếu giống trầm trọng vì số thóc giống dự trữ phần lớn đã bị ướt, nảy mầm trong lũ.

Trước mắt, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 500 tấn lúa giống các loại Xi23, Khang dân, ĐV 108, HT1, 10 tấn giống ngô lai LNV10 và 5 tấn rau để trồng và gieo cấy vụ đông - xuân 2011... Đồng thời, hỗ trợ 150 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục bước đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, xử lý các công trình, hồ, đập, đê bao xung yếu phục sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt lũ vừa qua làm hệ thống kênh mương của các địa phương bị hư hỏng, bồi lấp, xuống cấp hơn 33km. Ngoài ra hơn 35km đê bao nội đồng của các địa phương trong tỉnh bị hư hỏng nặng nề, ảnh hưởng việc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân sắp tới.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục