Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn. Bài 2: Triệt sản cá quý, thu hẹp thủy sinh

Như bài trước chúng tôi phản ánh tình trạng “sông khô cạn, núi trọc đầu” hiện nay tại các tỉnh miền Trung; sông khô hạn tất yếu thu hẹp các loài thủy sinh. Các loài sinh vật quý hiếm, chẳng hạn như loài cá chình hoa trên nhiều vùng đã xem như... tiệt chủng.
Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn. Bài 2: Triệt sản cá quý, thu hẹp thủy sinh

Như bài trước chúng tôi phản ánh tình trạng “sông khô cạn, núi trọc đầu” hiện nay tại các tỉnh miền Trung; sông khô hạn tất yếu thu hẹp các loài thủy sinh. Các loài sinh vật quý hiếm, chẳng hạn như loài cá chình hoa trên nhiều vùng đã xem như... tiệt chủng.

  • Chặn đường cá chình hoa 

Từ nhiều năm qua, tỷ lệ nghịch với sự phát triển của thủy điện, loài cá chình hoa (có tên khoa học Anguilla marmorata) ngày càng hiếm thấy. Trước đây, loại cá này sống rất nhiều trên các sông, suối thuộc hệ thống sông Vu Gia và sông Thu Bồn (Quảng Nam và Đà Nẵng).

Theo những vị cao niên, chình hoa là loại cá “đặc sản” của miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng. Cá chình hoa có chu kỳ sống rất đặc biệt: sinh trưởng trong nước ngọt đến tuổi trưởng thành, di cư ra biển để sinh sản. Trong quá trình di cư, tuyến sinh dục phát triển, chín muồi và sinh sản ở vùng biển sâu. Trứng thụ tinh, phôi phát triển nở thành ấu trùng dạng lá liễu, sống phù du trong nước biển, theo các dòng hải lưu trôi dạt vào bờ, biến thành cá chình dạng ống trong suốt, vào cửa sông-hạ lưu biến thành cá chình con.

Cá chình con theo dòng nước ngọt di cư lên thượng nguồn các sông, suối, các hồ chứa nước ngọt để sinh sống cho đến lúc trưởng thành rồi lặp lại vòng đời như cá chình bố mẹ. Cá chình hoa chỉ sinh sản một lần trong đời, sau khi sinh sản, cá chình bố mẹ chết.

Cá chình hoa trước đây có rất nhiều trên sông suối Quảng Nam nhưng nay rất hiếm. Ảnh: NG.KHÔI - H.MINH

Cá chình hoa trước đây có rất nhiều trên sông suối Quảng Nam nhưng nay rất hiếm. Ảnh: NG.KHÔI - H.MINH

Chính vì thế, tình trạng ngăn sông, đắp đập, nhất là ồ ạt làm thủy điện và các con suối, dòng sông bị khô cạn, ô nhiễm do đào đãi vàng trên hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn đã triệt đường ra biển sinh sản của cá chình hoa. Theo ghi nhận của Sách Đỏ Việt Nam, hiện nay cá chình hoa đang ở mức đe dọa bậc R (hiếm - PV).

  • Biến mất các loài thủy sinh

6 năm về trước, những lần đến Quảng Ngãi, bước xuống bến xe, bến tàu tôi thường bắt gặp hình ảnh người bán hàng rong đang gánh một bên là cái ang đất đặt trên lò lửa riu riu, một bên là bao đựng bánh tráng. Chung quanh, khách ngồi xuống chiếc đòn ghế nhỏ do người bán hàng đưa ra, hoặc vào một quán bên đường, trước mặt là một cái tô nghi ngút khói, hỏi ra mới biết đó là người bán don, một loại thủy sinh đặc sản của sông Trà Khúc. Mấy năm trở lại đây, hình ảnh người bán don ấy cứ vắng dần. Bây giờ, chỉ còn lác đác một vài quán nhỏ dọc đường Quang Trung.

Cá bống cũng là đặc sản hiếm hoi của sông Trà. Thời thịnh, loài cá này có thể lên đường “xuất ngoại”. Họ cá bống có đến hàng chục loại nhưng cá bống sông Trà nức tiếng vì thời phong kiến nó được dùng để “tiến vua”. Tuy nhiên, chỉ từ đoạn bến Tam Thương (huyện Tư Nghĩa) trở lên khỏi cầu Trà Khúc, nơi nước chảy hơi xiết, cá thường trườn bám qua sạn, cát nên da cá trắng, mình thon hơn, khi ăn đầu không có sạn mới là loại cá bống ngon.

Vậy nhưng vài năm trở lại đây, khi nước sông Trà bắt đầu “mất”, kéo theo loài đặc sản này cũng không còn. Ghe thuyền những năm trước dập dìu trên dòng Trà Khúc thì nay nằm trỏng đáy lên trời, hàng ngàn hộ dân ven dòng Trà Khúc bắt đầu khó khăn sinh kế.

Sông Trà (Quảng Ngãi) không còn nước, nguồn thủy sinh cạn kiệt, phương tiện đánh bắt “nghỉ việc”.

Sông Trà (Quảng Ngãi) không còn nước, nguồn thủy sinh cạn kiệt, phương tiện đánh bắt “nghỉ việc”.

Men theo con lạch, vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Sơn, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh, Quãng Ngãi) đang bì bõm dưới làn nước cạn nhìn thấy đáy, hì hục cào xúc sỏi tìm don. Nghỉ tay một lát, ông Sơn nói như đứt quãng: “Năm ni sông cạn tới đáy, nguồn nước lại bị ô nhiễm, con don cũng hiếm, cả ngày trời dầm mình dưới nước mới ra vài ký. Những năm trước, một ngày, hai vợ chồng tui cũng kiếm được vài chục ký, bán đủ tiền cho mấy đứa con ăn học”.

Cạnh đó, người đàn bà trạc tuổi 35, thân hình gầy gò, chị Phạm Thị Út, oằn mình thế tấn xúc sỏi từ ghe chuyển lên bờ. Dường như đã thấm mệt, chị ngồi bệt xuống cán xẻng bên cạnh đống cát sạn, hổn hển: “Trước, hai vợ chồng cứ 4 giờ sáng là dậy đặt ống tre dọc sông Trà bắt cá bống. Từ ngày có đập dâng Thạch Nham, số người đến khai thác cá bống cát từ xã Tịnh Hà đến Tịnh Long của huyện Sơn Tịnh giảm rõ rệt, phần do nước sông Trà cạn kiệt, nguồn nước lại bị ô nhiễm do chất thải của các nhà máy, cùng tình trạng khai thác quá mức đã làm cá bống sông Trà trở thành của hiếm. Không còn cách nào khác, phải chuyển cách mưu sinh qua xúc, đội cát, sạn thuê”.

Cuộc sống mưu sinh cũng gặp không ít rủi ro và khắc nghiệt. Nguồn thủy sinh cạn kiệt, trong khi cuộc sống của những hộ dân ven sông Trà thì vẫn cứ tiếp diễn, nhìn những ghe thuyền mắc cạn, “treo” trên những bãi cái nóng rát, lão ngư Huỳnh Hồng đã hơn 60 năm gắn bó với con sông Trà Khúc, chỉ ước mỗi một điều “chảy đi sông ơi!”

NGUYÊN KHÔI-HÀ MINH

- Thông tin liên quan:

>> Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn. Bài 1: Chảy đi sông ơi!

Tin cùng chuyên mục