Đang vào mùa nhưng sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương – loài cá chủ lực trong xuất khẩu tại các tỉnh miền Trung giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 50% tàu đánh bắt cá ngừ đại dương tại miền Trung phải nằm bờ, có nơi và có thời điểm tàu cá nằm bờ lên đến 80%.
Mất mùa...
Miền Trung là “vựa” cá ngừ đại dương. Trong đó, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định là các tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, từ đầu vụ mùa đến nay, việc khai thác cá ngừ đại dương không hiệu quả. Cùng với áp lực tăng giá xăng dầu, giá vật dụng đánh bắt... khiến nhiều ngư dân lỗ nặng đành chuyển nghề.
Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 8 trong các quốc gia xuất khẩu cá ngừ đại dượng đến Nhật Bản. Bộ NN-PTNT ưu tiên chọn cá ngừ đại dương để phát triển mạnh nghề cá xa bờ. Thế nhưng, tình hình khai thác loại cá này khá bấp bênh trong thời gian qua.
Theo phản ánh của đại đa số ngư dân, từ tháng 4 đến nay, năng suất, sản lượng đánh bắt cá ngừ đạt rất thấp. Nhiệt độ nước biển nóng lên làm cho cá ngừ di chuyển nhanh đến ngư trường khác hoặc lặn xuống tầng nước sâu. Trong khi đó, đa số các chủ tàu không có máy dò cá, không dự báo chính xác được hướng đàn cá di chuyển nên đánh bắt không hiệu quả...
Phú Yên, tỉnh có sản lượng và tàu thuyền đánh bắt cá ngừ lớn nhất miền Trung với sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm, đang gặp khó khăn khi gần hết vụ mùa khai thác (thời gian khai thác cá ngừ kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau) nhưng sản lượng chỉ bằng 2/3 mọi năm, trong khi đó, hiện nay, tại Phú Yên có khoảng 30% tàu cá nằm bờ, khoảng 40% tàu câu cá ngừ đang hoạt động trên biển nhưng không hiệu quả.
Rao bán tàu cá
Nếu những năm trước, mỗi chuyến đi câu cá ngừ chỉ khoảng 20 ngày, nay kéo dài lên 25-35 ngày, dẫn đến chi phí cao nhưng sản lượng đánh bắt không tăng. Do khai thác dài ngày, lại bảo quản cá trong đá lạnh xay nên không đảm bảo chất lượng. Chưa kể, cá có trọng lượng nhỏ nên giá bán không cao. Xuất khẩu cũng giảm xuống còn 40-50%.
Ông Bùi Văn Hà, một ngư dân có thâm niên trong nghề câu cá ngừ tại Khánh Hòa, than thở: “Dù sản lượng đánh bắt giảm nhưng vì cái nghiệp nên ngư dân vẫn bám biển. Có lúc gặp được luồng cá, ngư dân có thể câu được cả tấn nhưng vẫn lỗ vì giá rớt từ 165.000 đồng/kg xuống còn 130.000 đồng/kg. Trong khi vốn đầu tư xăng dầu, vật tư cho mỗi chuyến đi biển lên tăng gấp đôi so với hai năm trước”.
Tại Khánh Hòa, nghề câu cá ngừ còn chông chênh hơn khi có đến 80% (trong tổng số 104 tàu) tàu cá chuyên khai thác cá ngừ đại dương nằm bờ, khiến hoạt động giao thương cá ngừ tại cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ ít nhộn nhịp như mọi năm, các đại lý thu mua mặt hàng này không có cá để mua.
Ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết: “Từ đầu mùa đến nay, ngư dân ở đây chỉ mới khai thác được hơn 200 tấn cá ngừ, giảm 20% so cùng thời điểm năm trước. Ngay cả các đơn vị khai thác cá ngừ mạnh ở Hòn Rớ như Tập đoàn Công ty Hải sản Biển Đông Sài Gòn, đoàn tàu Biển Đông 45… cũng khai thác không hiệu quả, thua lỗ và neo tàu suốt nhiều tháng qua. Qua khảo sát, có đến 70% số tàu đánh bắt cá ngừ huề hoặc lỗ vốn”.
Do hoạt động thua lỗ, hàng trăm ngư dân các tỉnh miền Trung đang chuyển nghề, không ít người đang rao bán tàu cá. Tại Hòn Rớ, ngư dân đã bán 3 tàu cá ngừ nhưng, khi tàu cá nằm bờ thì giá bán chỉ bằng 50% trị giá con tàu.
VĂN NGỌC