Miền Trung - Tây Nguyên phải vươn lên mạnh mẽ

Sáng 18-7, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với 12 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, đồng thời giải quyết các kiến nghị của địa phương. Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Khắc phục tồn tại, yếu kém

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương đã tích cực trong phòng chống Covid-19, đóng góp vào thành công của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này chứng tỏ qua tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm giảm đáng kể; việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA rất chậm.

Thủ tướng chỉ rõ, miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế: 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động. Thủ tướng yêu cầu: “Không chỉ trong kháng chiến, nơi hy sinh nhiều nhất là ở khu vực này, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp”.

Tại cuộc làm việc, các tỉnh, thành phố đưa ra 102 kiến nghị, bao gồm: nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách (35 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch (15 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư (39 kiến nghị); nhóm kiến nghị về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài (3 kiến nghị); các kiến nghị khác (10 kiến nghị). Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.

Bày tỏ không hài lòng với việc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đạt tỷ lệ còn thấp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương mình, cũng như thu hút các dự án mới. Đồng thời, các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp; thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của tỉnh nhà cũng như cả nước. “Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động; hay địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước yêu cầu của Thủ tướng, lãnh đạo các địa phương miền Trung - Tây Nguyên phát biểu cam kết với Thủ tướng bằng mọi khả năng, nỗ lực phấn đấu đến cuối năm sẽ giải ngân thấp nhất là 90% vốn đầu tư công. Đối với nguồn vốn ODA, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch tỉnh Bình Định cam kết giải ngân ít nhất 60%.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành trung ương tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm sớm khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đối với tuyến đường ven biển có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng… của cả khu vực, lãnh đạo các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đề nghị Bộ GT-VT xem xét có hướng điều chỉnh trong quy hoạch, đầu tư phù hợp với thực tế. Cùng đó, lãnh đạo các địa phương kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành trung ương một số vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết sớm, như: bố trí nguồn vốn để xây dựng các tuyến đường cao tốc nhằm tăng cường kết nối giữa Tây Nguyên với miền Trung, khu vực phía Nam; có cơ chế để khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; nâng cấp các cửa khẩu nhằm tăng cường giao thương với các nước có chung đường biên giới như: Lào, Campuchia; sớm tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để phục vụ cho hoạt động của các nhà máy… Về trước mắt, các địa phương kiến nghị cần đầu tư sớm nâng cấp các hồ đập nhằm tăng cường khả năng tích trữ nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất nông nghiệp trong tình hình hạn hán khốc liệt.

Chính phủ đồng hành cùng các địa phương

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng nêu rõ, không địa phương nào muốn chuyển nguồn vốn sang địa phương khác, lãnh đạo các tỉnh cho rằng khó khăn gấp đôi thì sẽ cố gắng gấp ba. HĐND các địa phương phải tổ chức họp thường xuyên hơn về vấn đề giải ngân, ít nhất mỗi tháng một lần; đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại buổi làm việc, lãnh đạo 12 tỉnh, thành đều cam kết sẽ quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công trên 90% vào cuối năm.

Trong điều kiện dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng chương trình, lộ trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm để phục hồi tăng trưởng; không để tình trạng trì trệ. Thủ tướng nêu rõ: Mục tiêu đến cuối năm 2020, khu vực miền Trung - Tây Nguyên không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư thế giới. Không có đầu tư phát triển, không có doanh nghiệp phát triển thì không thể phát triển địa phương mình.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải nghiên cứu, tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, mở ra không gian mới về hợp tác thương mại đầu tư với các nước châu Âu. Trung ương sẽ bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng thị trường, sửa kịp thời, nghiêm túc, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật... Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng tập trung xử lý kiến nghị của địa phương, không để tình trạng “đi thăm địa phương thì có nhưng làm việc trực tiếp, xử lý tồn tại thì ít”.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng động viên tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thích nghi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Đồng thời, phải có trách nhiệm với xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước.

Trước diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương, nơi có cửa khẩu, biên giới, cảng hàng không tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi sát tình hình, kiên quyết không để dịch quay lại, lây lan trong cộng đồng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân miền Trung - Tây Nguyên vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm, GRDP vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng KTTĐ duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP Đà Nẵng (giảm 3,61%), Quảng Nam (giảm 11,51%) và Khánh Hòa (giảm 12,02%).

Đây cũng là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Đối với Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các vùng KTTĐ; không địa phương nào trong vùng có tốc độ tăng trưởng âm.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30-6, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước. Đến nay số vốn chưa giải ngân còn khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.

Tin cùng chuyên mục