Bước vào mùa nắng nóng chưa đầy hai tháng nhưng ở các tỉnh miền Trung đang xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn. Hàng trăm hécta rừng phòng hộ, rừng trồng bị thiêu rụi và nguy cơ phát hỏa vẫn còn đó.
Dồn dập cháy rừng
Liên tiếp trong tháng 7, tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng lớn, trong đó vụ cháy rừng lớn nhất chưa từng có ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) thiêu rụi trên 100ha rừng trồng hôm 16-7, hay nghiêm trọng hơn xảy ra ở khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân (Đà Nẵng) thiêu rụi hơn 20ha hôm nửa đầu tháng 7-2011.
Riêng tại Đà Nẵng, tuần đầu tiên của tháng 7-2011 đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, trong đó ngày 7-7 xảy ra 3 vụ cháy lớn khiến lực lượng và công cụ chữa cháy vốn đã thiếu lại càng thêm phân tán bởi nhiều đám cháy rừng cùng một lúc. Để khống chế vụ cháy rừng đặc dụng Nam Hải Vân trưa 7-7, TP Đà Nẵng đã phải huy động gần 1.000 người tham gia dập lửa, trong đó có 600 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu V, 200 kiểm lâm và gần 200 người khác thuộc lực lượng đội phản ứng nhanh chữa cháy rừng và người dân địa phương nhưng phải mất 20 giờ đồng hồ, kéo dài từ trưa 7-7, trắng đêm cho đến 7 giờ sáng hôm sau đám cháy mới được cơ bản khống chế. Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong khi Đà Nẵng “chóng mặt” với nhiều vụ cháy rừng diễn ra cùng lúc thì ngày 16-7, ngọn lửa bùng phát tại rừng keo và bạch đàn của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh, sau đó cháy lan ra rừng của dân tại xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) thiêu rụi hơn 100ha rừng trồng. Để dập lửa, Phú Yên phải huy động hơn 400 người dập lửa liên tiếp trong 3 ngày mới khống chế được ngọn lửa. Tại Bình Định, từ đầu năm 2011 đến nay xảy ra 11 vụ, thiêu cháy 32,8ha rừng. Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều khu rừng tại các huyện Phù Cát, An Nhơn, Vân Canh, Tuy Phước, Tây Sơn và TP Quy Nhơn… đang ở mức báo động IV, cấp nguy hiểm.
Một trong những địa phương ít xảy ra cháy rừng như Thừa Thiên - Huế nhưng năm nay cũng có nhiều vụ cháy rừng. Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế xảy ra 5 vụ cháy rừng, thiêu rụi 15ha rừng trồng. Từ ngày 2 đến ngày 7-7, liên tiếp những vụ cháy rừng lớn, thiêu trụi hơn 0,5ha rừng thông 30 năm tuổi ở TP Huế và hơn 5ha rừng keo ở huyện A Lưới. Ngày 7-7, lại xảy ra một vụ cháy lớn ở khu vực đèo Bắc Hải Vân (huyện Lăng Cô) thiêu rụi gần 5ha rừng keo sau đó cháy lan sang khu vực Đà Nẵng gây nên vụ cháy rừng lớn tại khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân (Đà Nẵng).
Trong số hầu hết các vụ cháy rừng trên địa bàn các tỉnh miền Trung vừa qua đều có nguyên nhân từ sự chủ quan của con người như đốt thực bì, đốt rừng tìm ong, đốt rừng làm nương rẫy, nhóm lửa khi đi du lịch… Mặc dù các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động lực lượng tại chỗ để tham gia chữa cháy nhưng do địa hình rừng núi hiểm trở, phương tiện chữa cháy thô sơ nên nhiều đám cháy lan rộng, mất rất nhiều thời gian mới dập tắt được.
Thiếu phương tiện, kinh phí
Điều đáng nói, hầu hết các vụ cháy rừng vừa qua xảy ra trên địa bàn miền Trung có tốc độ lây lan mạnh, trong khi phương tiện chữa cháy quá thiếu. Trong vụ cháy 20ha rừng đặc dụng Nam Hải Vân hồi đầu tháng 7 vừa qua, để dập lửa, Đà Nẵng phải huy động gần 1.000 người từ quân đội, công an, đội phản ứng nhanh, kiểm lâm,… nhưng phải mất 20 giờ mới dập tắt được đám cháy do phương tiện chữa cháy thiếu trầm trọng.
Ông Trần Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết: Rừng hiểm trở nên chữa cháy gặp khó khăn. Xe chữa cháy của công an chỉ khoanh vùng bảo vệ lửa cháy lan khu vực bìa rừng chứ không vào sâu bên trong được. Vì vậy, phương tiện chữa cháy hiệu quả nhất là máy thổi gió. Tuy nhiên, Đà Nẵng có 55.000ha rừng những chỉ có 26 máy thổi gió, 140 kiểm lâm và lực lượng phản ứng nhanh. Chính vì vậy, khi gặp cháy lớn buộc phải huy động quân đội tham gia chữa cháy. “Để nâng cao năng lực PCCC rừng, chúng tôi đang đề nghị thành phố trang bị nhiều hơn nữa máy thổi gió”, ông Lương cho biết. Đây cũng là thực trạng chung của kiểm lâm các tỉnh miền Trung.
Theo ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, để tăng cường khả năng phòng cháy, chữa cháy rừng, ngoài các biện pháp tuyên tuyền, kiểm tra, bảo dưỡng, bổ sung trang bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng… Sở NN-PTNT tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực PCCC rừng giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết thêm: “Kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng khó khăn nên gặp hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng”.
Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục Phó kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, để đối phó với thảm họa cháy rừng, ngành kiểm lâm tỉnh xây dựng chiến lược phòng chống cháy rừng từ 2008-2015, tăng cường trách nhiệm các cấp, cơ quan địa phương trong quản lý cháy rừng, tuyên tuyền phòng chống cháy rừng trong dân.
Ng.Khôi – H.Trọng – Ph.Lê