Miền Trung trước mùa mưa, bão: Ưu tiên nguồn lực tái thiết cơ sở hạ tầng

Vết sạt kéo dài hơn 7km ở đỉnh Pa Ray phơi xác, đất đá ngổn ngang vẫn ám ảnh người dân buôn làng Ca Dong ven sông Rin (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Đến nay, hậu quả sự cố vỡ núi Pa Ray vẫn chưa được khắc phục.

Chuỗi thảm họa sạt lở xảy ra cuối năm 2020 tại các địa bàn vùng núi của miền Trung đã cướp đi sinh mạng hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ và xóa sổ nhiều ngôi làng. Nay, mùa mưa bão sắp đến, người dân miền Trung lại nơm nớp đối diện với sạt lở khi các dự án tái định cư vẫn chờ vốn hoặc chưa tìm ra mặt bằng. Kèm theo đó là bài toán sinh kế cho người dân còn nhiều bất cập, chưa có những giải pháp căn cơ.

Thấp thỏm chờ tái định cư

Vết sạt kéo dài hơn 7km ở đỉnh Pa Ray phơi xác, đất đá ngổn ngang vẫn ám ảnh người dân buôn làng Ca Dong ven sông Rin (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Đến nay, hậu quả sự cố vỡ núi Pa Ray vẫn chưa được khắc phục.

Anh Đinh Văn Hói (thôn Ra Pân, xã Sơn Long) nhớ như in trận sạt lở núi rạng sáng ngày 11-11-2020 khiến hơn 50 hộ dân tháo chạy trong đêm, nhưng giờ tất cả phải trở về sinh sống trong các khu nhà tạm dưới chân núi Pa Ray.

“Sạt lở núi Pa Ray cuốn sập nhà cửa, vùi lấp đất đai, nương rẫy nên chính quyền vẫn phải hỗ trợ gạo. Chúng tôi rất lo khi chưa có nhà cửa kiên cố mà mùa mưa bão lại đang đến gần”, anh Hói âu lo. 

Miền Trung trước mùa mưa, bão: Ưu tiên nguồn lực tái thiết cơ sở hạ tầng ảnh 1 Người dân vùng sạt lở núi Pa Ray (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đang sống thấp thỏm trong những ngôi nhà tạm bợ. Ảnh: NGỌC OAI

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết, ít nhất phải đến mùa khô năm sau thì bà con mới được bố trí đến nơi ở mới do khu tái định cư chưa làm kịp. Bên cạnh đó, hậu quả sạt lở cũng chưa có kinh phí để khắc phục; ruộng đồng, nương rẫy của người dân bị cuốn trôi hết, không có đất để người dân làm ăn. “Mọi thứ đều trông chờ tỉnh, trung ương, chứ xã và huyện thì không thể lo nổi”, ông Vượt than thở.

Tương tự, vùng lũ quét, sạt lở thuộc xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây) với khoảng 450 người dân đang sống thấp thỏm trước mùa mưa bão vì chưa được bố trí nơi ở mới.

Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây, thông tin, UBND tỉnh Quảng Ngãi thông qua 2 dự án khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở, lũ quét ở 2 xã Sơn Long và Sơn Bua, kinh phí khoảng 70 tỷ đồng. Song, kinh phí của tỉnh, huyện khó khăn nên bố trí cho dự án chậm, khiến công tác triển khai chậm trễ.

“Chúng tôi cố gắng hết sức làm hạ tầng tạm thời cho 2 khu tái định cư này, để dự phòng khi mưa bão phức tạp thì dời khẩn cấp các hộ dân đến ở tạm. Đến mùa khô năm 2022 sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn bộ hạ tầng để dời các hộ dân đến”, ông Vân nói. 

Dọc dải miền Trung, hàng trăm ngôi làng vẫn đối mặt với sạt lở và biển xâm thực khiến người dân sống trong thấp thỏm với nỗi lo bão lũ, sạt lở đất. Trong khi đó, công tác khắc phục chỉ tạm thời, chưa được đầu tư bài bản, căn cơ.

Điển hình là dự án đầu tư khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng triều cường xâm thực gây xói lở bờ biển, kinh phí 100 tỷ đồng, tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Dự án dù đã được triển khai nhưng chưa bao trọn hết vùng xâm thực trước làng biển Phước Thiện - An Cường (xã Bình Hải) như kỳ vọng.

“Do còn một đoạn bờ biển mà dự án kè chưa đến được nên một nửa dân làng Phước Thiện vẫn nơm nớp lo triều cường, bão biển”, một người dân làng biển Phước Thiện cho biết. Riêng dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, còn ngổn ngang, có thể sẽ phải chậm tiến độ đến năm 2023. Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, dự án còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là nguồn vốn.

Ứng phó chắp vá

Tỉnh Quảng Trị hiện có 26 dự án điện gió đang triển khai thi công ở huyện miền núi Hướng Hóa. Quá trình thi công, nhà đầu tư bạt núi, mở đường khiến nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc cả bờ taluy dương và taluy âm. Việc thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt, hệ thống thoát nước dọc theo tuyến đường hiện chưa bố trí đầy đủ các cống thoát nước ngang.

Các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận. 

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho hay, sở đã chỉ đạo các nhà đầu tư tiến hành xử lý, gia cố các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin gió, chống sạt lở đất của các dự án điện gió, xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án. Đồng thời, lắp camera theo dõi các vị trí bãi thải nguy cơ sạt trượt, ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư để xử lý kịp thời khi có dấu hiệu xảy ra sự cố cũng như sẵn sàng sơ tán, di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng bởi các dự án điện gió. Về lâu dài, khi các dự án điện gió hoàn thành, cần rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dù Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã đưa ra các giải pháp và phương án ứng phó với thiên tai đối với các dự án điện gió đang thi công, nhưng hiện các dự án điện gió trên địa bàn các xã Húc, Tân Liên, Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) đang cấp tốc thi công cho kịp tiến độ nên chưa thực hiện nghiêm các phương án đã đưa ra.

Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc, cho biết: Hiện địa phương còn nhiều trăn trở và lo lắng từ các bãi thải có nguy cơ sạt lở khi mùa mưa sắp tới. Qua rà soát, trên địa bàn xã có 4 thôn là Ta Ri 2, Húc Thượng, Húc Ván, Tà Rùng bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Ngoài 48 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở đất hoặc các quả đồi xuất hiện nứt gãy, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian gần đây tình trạng này còn xảy ra ở các công trình thủy điện, thủy lợi như hồ Tả Trạch, hồ Bình Điền, hồ Hương Điền, hồ A Lưới, hồ Truồi, hồ Thủy Yên.

Bên cạnh đó, cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng gồm A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4; thủy điện Thượng Nhật, thủy điện A Roàng, thủy điện sông Bồ... luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. 

Với thực trạng như hiện nay, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho việc khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai cho miền Trung để chính quyền và người dân yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất theo nhiều bước để chủ động ứng phó, tránh xảy ra những thảm họa như đợt mưa lũ hồi tháng 10-2020.

Dự án di dân khẩn cấp 8 năm làm chưa xong

Ngày 29-10-2013, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 2681/QĐ-UBND phê duyệt Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa với tổng mức đầu tư 26,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện và hoàn thành dự án theo quyết định là 2013-2015. Dự án được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, với mục tiêu đưa 99 hộ dân ở xóm 1, 2, 3, 4, 5 vùng Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) ra khỏi vùng ngập lụt. 

Khu tái định cư được quy hoạch trên diện tích 20,68ha, với các hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, điện, nước, nhà văn hóa và một số công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, đến nay, sau 8 năm thực hiện, nhiều hạng mục của dự án vẫn chưa được triển khai thi công. Một số hạng mục đã được triển khai thì còn dang dở. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục