Sau vài vụ trúng đậm, nông dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… lại ào ạt phá rừng phòng hộ, phá vườn tược, ruộng lúa để đào hồ nuôi tôm. Diện tích hồ tôm tăng vọt, thời vụ thả nuôi không được tuân thủ, tôm giống không đảm bảo, nguồn nước ngày càng ô nhiễm… Hàng ngàn nông dân đang “đánh bạc” trên đồng tôm nhưng chưa biết trắng tay lúc nào!
Con tôm “phất cờ”
Đến đầu tháng 3-2012, ruộng lúa, vườn ngô… ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) gần như không còn, thay vào đó là những hồ tôm. Nhiều vùng đất nằm ngoài quy hoạch nuôi tôm của xã Mỹ Thành cũng được cải tạo thành hồ tôm. Hiện UBND xã Mỹ Thành thống kê được hơn 50ha nuôi tôm trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác gồm công an, địa chính, tư pháp… về tận từng thôn, xóm kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính… nhưng vẫn không ngăn chặn được nạn phá vườn nuôi tôm trái phép.
Tình trạng nông dân tự ý phá rừng, cải tạo đất nông nghiệp thành hồ nuôi tôm thẻ chân trắng cũng diễn ra ngày càng nhiều tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Phú Yên… Những huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu… của tỉnh Phú Yên luôn thay phiên nhau làm “điểm nóng” về tình trạng phá rừng phòng hộ để đào hồ nuôi tôm.
Theo Phòng TN-MT huyện Tuy An, tháng 2-2012, các ngành chức năng phát hiện 48 trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 41.000m² để đào hồ nuôi tôm… Tại thị xã Sông Cầu, số lượng lồng nuôi tôm hùm cũng vượt quy hoạch.
Ông Hồ Nam Yên, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết: “Thị xã quy định số lượng lồng tôm hùm ở mức 16.000 lồng, nhưng trong năm 2012 đã tăng lên 22.000 lồng. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, mỗi hécta mặt nước chỉ thả nuôi 30-60 lồng tôm nhưng với 90ha phục vụ nuôi trồng thủy sản của xã Xuân Thịnh đã thả nuôi tới 7.000 lồng”.
Nguy cơ trắng tay
Sau “cơn lốc” lấn chiếm đất ven biển đào hồ nuôi tôm, nhiều nông dân huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đang điêu đứng, ôm nợ vì nguồn nước sông Trường Giang ô nhiễm, tôm, cá... liên tục bị dịch bệnh. Tình trạng tôm hùm bị dịch bệnh chết cũng liên tục xảy ra tại thị xã Sông Cầu và năm nay cũng không là ngoại lệ. Ông Nguyễn Thái Hải Anh, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết: “Đến đầu tháng 3 năm nay, trên địa bàn thị xã đã có 300.000 con tôm hùm bị chết… gây thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Do người dân thả nuôi tôm với mật độ quá dày làm mất vệ sinh môi trường, nhiễm khuẩn vùng nuôi do thức ăn dư thừa gây nên kết hợp với thời tiết biển động… nên tôm bị bệnh và bùng phát trên diện rộng”.
Vụ tôm năm nay nhiều nông dân huyện Phù Mỹ thả nuôi trước lịch thời vụ quy định gần 2 tháng. Vì là vùng cao triều, nằm xa đầm Đề Gi (huyện Phù Mỹ) nên người nuôi tôm xã Mỹ Thành phải đóng giếng ven đầm để lấy nước mặn. Sau đó bơm, dẫn vào ao nuôi bằng đường ống dài cả 1km. Kết thúc vụ nuôi, hệ thống dẫn nước mặn tiếp tục có nhiệm vụ đưa nước thải ra đầm. Chính vì vậy nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm tại đầm Đề Gi ngày càng ô nhiễm. Trong năm 2011, nhiều hộ nông dân ở thôn Hưng Tân (xã Mỹ Thành) đã trắng tay vì tôm bị dịch bệnh như hộ ông Võ Bá Sỹ, Võ Bá Dũng, Đinh Văn Ly, Đinh Văn Bình…
Với “cơn lốc” nuôi tôm ào ạt như hiện nay, ai dám chắc những vụ tôm thắng lợi sẽ kéo dài trong những năm sắp đến? Câu cửa miệng “nghèo + nuôi tôm = ly hương” là một lời khuyến cáo bổ ích cho những nông dân đang có ý định nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở miền Trung.
HOÀNG TRỌNG
ĐBSCL: Tôm chết hàng loạt
(SGGP).- Vụ tôm năm 2012 ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Tại Trà Vinh, hiện có hơn 40 triệu con giống của 1.000ha/12.412ha bị chết, làm gần 800 hộ nuôi tôm giống bị thiệt hại. Tôm chết từ 20 - 30 ngày tuổi, có biểu hiện của bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy ở các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và một số diện tích nuôi công nghiệp. Điều lo lắng cho vụ tôm mới 2012 là tôm giống kém chất lượng, tỷ lệ qua kiểm dịch thấp, chỉ đạt hơn 40% (340 triệu con được kiểm dịch/850 triệu con thả nuôi).
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, do thời tiết diễn biến phức tạp, con giống kém chất lượng nên mới đầu vụ nuôi mà diện tích tôm chết tăng nhanh, chỉ tính giá con giống 70 - 80 đồng/con, nông dân đã thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, tình hình tôm bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với tổng diện tích bị thiệt hại đến nay đã vượt trên 1.270ha. Tuy nhiên, diện tích khắc phục đến nay chỉ gần 270ha. Đặc biệt, dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng có chiều hướng tăng cao, gây khó khăn cho phát triển sản xuất. Để hạn chế thiệt hại và ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần xử lý tôm bệnh đúng kỹ thuật, không thải nước ô nhiễm ra môi trường; đồng thời xét nghiệm mẫu nước, tôm giống trước khi thả nuôi…
Trước đó, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng đã kiểm tra, kiểm dịch trên 389 triệu con tôm post nhập tỉnh và trên 1,7 tỷ con tôm post sản xuất trong tỉnh. Qua kiểm dịch, không phát hiện tôm giống nhiễm bệnh.
Tại Sóc Trăng, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay diện tích tôm bị thiệt hại ở Sóc Trăng đã lên đến hơn 300ha, chiếm 20% diện tích thả giống. Điều đáng lo ngại là tôm có biểu hiện bệnh gan và đốm trắng. Ngành chức năng đã tiến hành tập huấn cho bà con nuôi tôm, trong đó đặc biệt quan tâm đến khâu cải tạo, chọn giống, thời điểm xuống giống hợp lý và mật độ vừa phải để hạn chế rủi ro.
Đ.CẢNH- S.HỶ