Miền Trung với nỗi lo sạt lở

Sau các đợt mưa lũ lớn tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, khu vực Bắc miền Trung lại xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều điểm sạt lở đe dọa trực tiếp đến các khu dân cư, giao thông đi lại…
Sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trà Liên Đông (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trà Liên Đông (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Núi nứt, sông lở

Thời gian này, người dân thôn Thanh Xá 3 (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) đang sống trong cảnh bất an khi núi Biềng Kha lại xuất hiện vết nứt. Mưa lớn vừa qua, trên đỉnh núi xuất hiện các vết nứt, trong đó có nơi vết nứt rộng 1m và kéo dài xuống gần sát quốc lộ 217.

Ông Hoàng Khắc Đơ (68 tuổi, thôn Thanh Xá 3) cho biết, hiện tượng nứt núi, sạt lở xuất hiện từ 7-8 năm nay, nhưng gần đây nhiều hơn, nhất là sau đợt mưa lớn vừa qua.

Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại địa phương có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở dọc quốc lộ 217. Trong năm 2019 và 2020, xã đã xử lý một số điểm, nhưng vừa qua, tại khu vực thôn Thanh Xá 3 lại xuất hiện thêm vết nứt trên núi. Xã đã báo cáo lên huyện để có hướng xử lý, đồng thời lên phương án sẵn sàng di tản dân khi tình huống xấu xảy ra.

Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Đại Thượng Hạ (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm sạt ăn sâu vào đường dân sinh với chiều dài hơn 1km.

Chủ tịch UBND xã Triệu Long Võ Sính cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm tình trạng sạt lở bờ sông thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hơn 30 hộ dân và hàng chục hécta đất sản xuất. Dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Đông (xã Triệu Giang) cũng xảy ra tình trạng sạt lở nặng.

Trên tuyến sông Gianh (Quảng Bình) cũng bị sạt lở nặng ở nhiều xã của huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Trưởng thôn Xuân Canh (xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) Nguyễn Quang Trung cho hay, mỗi năm thôn bị sông Gianh cướp mất 5ha đất. Riêng nhà ông có hơn 450m2 đất bị sạt lở cuốn trôi. Thôn có 97 hộ thì có hơn 2/3 số hộ bị ảnh hưởng.

Chờ tái định cư

Tại bản Lở (xã Nam Động, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) núi xuất hiện vết nứt ngay trên khu dân cư. Vết nứt với chiều dài 110m, rộng 1,2m, có nhiều vị trí sâu đến 7m, đe dọa trực tiếp tới 31 hộ dân, 153 nhân khẩu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai để triển khai thực hiện khu tái định cư, phục vụ di dời dân khẩn cấp.

Còn tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi có 9 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, Chủ tịch huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết, với nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, hiện địa phương đang triển khai một dự án di dân tái định cư tại xã Mường Típ và sắp tới sẽ triển khai tại xã Mường Ải, Bảo Nam.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, hầu hết bờ các con sông chính trên địa bàn tỉnh đều bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng hơn 105km, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18km, sạt lở nguy hiểm hơn 48km. Việc sạt lở đang ảnh hưởng đến đời sống của trên 2.360 hộ, trong đó có gần 600 hộ ở vùng thực sự nguy hiểm. Để khắc phục sạt lở bờ sông, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông, thực hiện từ năm 2022-2025 với tổng số vốn 95 tỷ đồng. Dự án này sẽ đầu tư nâng cấp 7km đê, kè bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Triệu Phong, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) Đinh Xuân Thương cho biết, với tình trạng sạt lở dọc sông Gianh thì vốn của địa phương không đủ mà cần sự hỗ trợ của Trung ương. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã cấp hơn 73 tỷ đồng để làm kè ở xã Đức Hóa, tuy nhiên do mưa bão nên dự án mới chỉ tập kết một phần vật liệu xây dựng và chưa thể thi công.

Tin cùng chuyên mục