Những ngày tháng 3, chúng tôi thực hiện chuyến xuyên rừng, ngược Nam Trường Sơn đến biên giới, vùng tiếp giáp với tỉnh Monđunkiri của nước bạn Campuchia, nơi bộ đội công binh của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang mở đường Tuần tra biên giới.
Vượt nắng, thắng mưa
Công ty Xây dựng 470 là một trong những đơn vị tham gia thi công gói thầu đầu tiên của đường tuần tra biên giới trên Tây Nguyên. Đây là những cung đường mở mới hoàn toàn. Trong đó gói thầu số 4 dọc tuyến Bình Phước (cung đường nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đắc Nông) dài 25km, đơn vị nhận vào đầu mùa mưa năm 2004 và đã hoàn thành bàn giao cuối năm 2010. Cung đường này bắt đầu từ sườn Tây đồn Bu Cháp, uốn lượn quanh co qua nhiều đèo dốc, từ điểm cao 800m tại điểm đầu, băng qua “dốc 3 tầng” đổ xuống điểm cuối chỉ còn độ cao 400m so với mực nước biển. Trung úy Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên Đội 7, đơn vị chủ công trong thi công cung đường này giới thiệu khái quát nhưng chất chứa trong đó là một hành trình hơn 6 năm vượt khó của tập thể Đội 7.
Tháng 3, mùa khô trên biên giới Tây Nguyên, gió cứ thốc ào ào. Suối Đắc Huýt đã cạn dòng nên không còn ầm ào chảy như thời điểm mùa mưa nhưng cá trắng thì nhiều vô kể, cá chỉ to hơn ngón tay cái người trưởng thành nhưng chiên, kho và nấu canh chua đều ngon, có thể ăn không bỏ xương. Cánh lính Đội 7 đã quen việc ra suối Đắc Huýt bắt cá trắng nên hơn 6 năm thi công đường tuần tra biên giới, chẳng bữa cơm nào thiếu món cá này. Mà cũng may có cá trắng từ suối Đắc Huýt để cánh lính thợ cải thiện bữa ăn, chứ cứ chờ hai ngày một chuyến tiếp phẩm từ trung tâm huyện Đắc Mil cách xa gần 100km vào thì thật khó mà “ăn no, đánh thắng” và càng khó vượt nắng, thắng mưa trên công trường.
Tháng 7-2004, Công ty Xây dựng 470 nhận tuyến thi công gói thầu số 4 - vị trí khó khăn, phức tạp nhất trên tuyến biên giới Nam Tây Nguyên. Trên toàn tuyến dài 25km, đơn vị phải lập 3 trạm trung chuyển để tập kết lực lượng, vật tư, thiết bị và bảo đảm hậu cần phục vụ thi công. Bộ đội Công ty 470 phải cắt cử nhau cõng dầu, cõng nước từ địa điểm tập kết là đồn biên phòng Bu Cháp (Đắc Nông) xuyên rừng để vào các trạm trung chuyển. Mỗi ngày, một chiến sĩ gắng hết sức cũng chỉ cõng được 2 can dầu loại 30 lít lội bộ, luồn rừng, leo dốc vượt khoảng 8km để đến được trạm trung chuyển.
Tương tự, việc cung cấp lương thực, thực phẩm và trang thiết bị phục vụ thi công cũng như bảo đảm đời sống người lao động đều phải nhờ đến đôi vai người lính. Sau khi phát quang rừng, thông tuyến, việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ thi công như cát, đá, xi măng, sắt thép cũng phải trung chuyển qua nhiều trạm: Công ty dùng ô tô chở vào điểm đầu tập kết, sau đó thuê xe công nông của dân địa phương chuyên chở vào các điểm thi công.
Sẽ là không đủ nếu không nói tới những thử thách khi bộ đội Công ty 470 phải đối mặt dịch sốt rét. Có thời điểm giao mùa, nhiều người bị sốt rét, công ty phải lập hẳn một bệnh viện dã chiến ngay tại công trường, huy động tổng lực cán bộ quân y và tăng cường thêm nhiều cơ số thuốc mới dập được dịch. Tuy nhiên, trên công trường thi công đường tuần tra biên giới các tỉnh Bình Phước và Đắc Nông, sốt rét vẫn âm ĩ. Hầu hết cán bộ chiến sĩ, công nhân lao động trên công trường đều bị sốt rét. Vì vậy, vào thời gian cao điểm như cuối mùa mưa, đầu mùa khô, Đội 7 thường phải đề nghị cấp trên tăng cường y bác sĩ và bổ sung thêm cơ số thuốc.
Ngày đêm bám công trường
Trên hướng thi công gói thầu số 5 đường dọc tuyến Kom Tum có chiều dài 15km qua xã Chư Mo Ray, huyện Sa Thầy, cán bộ chiến sĩ, công nhân lao động Đội 5 cũng phải khắc phục những khó khăn, thiếu thốn tương tự. Thiếu tá Vũ Thiện Sỹ, Đội trưởng đội 5 cho biết: Đơn vị nhận tuyến từ tháng 12-2008. Khó khăn lớn nhất là việc vận chuyển, cung cấp nguyên vật liệu, vì hầu hết phải vận chuyển từ trung tâm huyện Sa Thầy vào, cách xa hơn 100km mà chủ yếu là đường rừng nhỏ hẹp và nhiều đèo dốc quanh co. Trong khi đó, có nhiều đoạn phải vượt qua nhiều đèo dốc cao hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu với nền đất phức tạp hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, với nhiều cố gắng nên đến nay, sau hơn 2 năm thi công, đơn vị đã hoàn thành nền đường, hệ thống thoát nước, thi công cấp phối 4/15km, đổ bê tông 3/15km”.
Sau gói thầu số 4, tháng 9-2009, Công ty Xây dựng 470 tiếp tục được Ban Quản lý dự án 47 (Bộ Quốc phòng) giao thi công gói thầu số 6 đường dọc tuyến Đắc Nông, đoạn tiếp nối đường dọc tuyến Bình Phước có chiều dài 10km, tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng. Theo tiến độ gói thầu số 6 sẽ hoàn thành vào tháng 12-2011. Đại tá Đỗ Văn Hải, Giám đốc Công ty Xây dựng 470 cho biết: Ngay từ ngày mùng 6 Tết Tân Mão, công ty đã tổ chức ra quân. Hiện trên công trường, Đội 7 huy động tổng lực, chia ra 3 mũi dưới sự chỉ huy trực tiếp của những cán bộ, kỹ sư trẻ năng nổ, nhiệt tình. Hiện tại, đơn vị huy động 100% nhân lực, hơn 90% đầu máy thiết bị, tổ chức thi công 3 ca liên tục ngày đêm, nhờ vậy đến đầu tháng 3-2011, đơn vị đã thi công xong nền đường 10km, xong cấp phối 5/10km và đang tích cực chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu để tiến hành đổ bê tông ngay trong tháng.
Những ngày tháng 3 lịch sử, nhiều địa phương ở Tây Nguyên mở hội mừng 36 năm ngày giải phóng. Và đâu đó, những người lính công binh xây dựng Trường Sơn vẫn ngày đêm bám công trường, mở đường tuần tra biên giới.
Bình Định