Mở rộng hẻm, dân nói gì

Mở rộng hẻm, dân nói gì

Hẻm không cần mở thì... mở

Những người dân sống tại hẻm số 4 đường Vườn Lài phường Tân Thành quận Tân Phú rất bức xúc về việc UBND phường Tân Thành cho nâng cấp, đồng thời mở rộng hẻm trên từ 4,6m thành 6,2m với kinh phí 850 triệu đồng và thêm khoảng 1 tỷ đồng tiền đền bù cho dân.

Theo đó, mỗi bên hẻm phải giải tỏa 0,8m, người dân tự bỏ tiền ra làm lại hệ thống thoát nước, xây lại các phần bị đập dự tính khoảng 10 triệu đồng/hộ. Đây là con hẻm cụt, trong hẻm chỉ có 66 hộ dân, hệ thống thoát nước rất tốt, dù mưa lớn, hay triều cường cũng không gây ngập. Nhiều hộ cho rằng việc mở rộng hẻm là không cần thiết mà chỉ nên trung tu lại con hẻm như trải lớp nhựa, nạo vét đường cống, sửa lại hố ga.

Như vậy kinh phí chỉ khoảng 200 triệu đồng, bà con không phải đập nhà, tháo vách, làm lại hệ thống thoát nước mà Nhà nước cũng không cần di dời cột điện hay đền bù giải tỏa gây lãng phí lớn. Ông Trần Trọng Minh, một người dân sống trong hẻm nói: “Hiện nay trong phường vẫn còn rất nhiều con đường lầy lội, ổ gà, ổ voi, mưa hoặc triều cường là ngập, cần được sửa chữa, nên dành kinh phí để làm những con đường ấy”.

Mở rộng hẻm, dân nói gì ảnh 1

Hẻm số 4 đường Vườn Lài P.Tân Thành Q.Tân Phú hiện rộng 4,6m nhưng sắp tới UBND phường vẫn cho mở rộng ra 6,2m. Ảnh: N.H.

Không khác hẻm trên, hẻm 220 đường Nguyễn Tiểu La P8 Q10 dài 130m, rộng 5m. Theo Điều 4.1 Quyết định số 88/2007QĐ-UBND ngày 4-7-2007 của UBND TPHCM về ban hành quy định lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu vực dân cư, lộ giới hẻm này là 5m, tuy nhiên UBND phường 8 vẫn cho mở rộng thành 6m, với kinh phí 400 triệu đồng làm nhiều bà con bất bình.

Ông Lý Văn Thành có nhà cao 4 tầng, nếu mở hẻm, nhà ông sẽ bị đập vô 0,5m, cả khu nhà có thể bị đập vô gây tốn hàng trăm triệu đồng. Còn bà Võ Tuyết Tâm có nhà bằng gỗ, hiện có 18 nhân khẩu, nếu mở hẻm sẽ phải đập nhà vô 1,45m, căn nhà có khả năng bị sập hoàn toàn.

Một lý do khác khiến các hộ dân không đồng ý mở rộng hẻm, vì hẻm này ít người qua lại, hệ thống thoát nước tốt. Trước việc này, ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch UBND P8 Q10 cho biết: “Để có kết quả cụ thể, qua Tết Nguyên đán phường sẽ xuống lấy ý kiến của bà con thêm lần nữa, nếu hộ nào bị ảnh hưởng nhiều khi mở hẻm thì phường sẽ vận động hỗ trợ tiền. Còn như hầu hết các hộ đều không đồng ý mở hẻm thì phường sẽ xin ý kiến quận”. Về phía UBND Q10, ngày 20-9-2007 quận có văn bản số 538/CV-QLĐT về việc điều chỉnh lộ giới hẻm 220 đường Nguyễn Tiểu La, lại cho rằng dân đã đồng ý cho mở hẻm nên quận mới đồng ý cho phường mở rộng hẻm thành 6m!

Hẻm “treo” lại... cứ từ từ

Từ năm 1994, UBND TPHCM chỉ đạo quy hoạch lộ giới hẻm và đến những năm 1997 - 2000, các quận huyện ồ ạt cắm bảng “lộ giới” hẻm. Đến ngày 4-7-2007, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 88/2007QĐ-UBND quy định về lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu vực dân cư hiện hữu thuộc địa bàn TP, đến nay số hẻm được mở rộng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi số hẻm “treo” còn lại đang gây khó khăn cho rất nhiều hộ, vì không xin phép xây dựng được. Mỗi quận nội thành có hàng trăm con hẻm đã được công bố lộ giới. Quận 3 có khoảng 700 hẻm, trong đó phân nửa số này đã được công khai. Quận 5 cũng đã cắm bảng quy hoạch trên 500 hẻm...

Quận Tân Bình, Tân Phú có trên 1.000 con hẻm, được cắm bảng quy hoạch hết 90%. Sau một thời gian dài, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng treo bảng về chỉ số lộ giới hẻm dự kiến, nhiều nơi lên đến 12m, khiến không biết bao người thấp thỏm bất an trước nguy cơ “hẻm đi qua thì nhà đi đâu!?”. Bà Phạm Thị Lộc, ngụ hẻm 254 đường Trường Chinh P13 Q.Tân Bình bức xúc: “Hẻm này rộng 1m, từ khi xuất hiện tấm bảng quy hoạch mở hẻm lên 4m đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thấy ai nhắc gì đến chuyện giải tỏa để mở hẻm.

Chỉ người dân chúng tôi là bị thiệt vì nhà nào cũng bị liệt vào nhà vi phạm lộ giới, giá nhà giảm rất nhiều”. Bà cũng cho biết, căn nhà của bà nằm giáp hai mặt hẻm: bên thì bị ghi mở rộng 6m, bên có lộ giới 4m. Nếu mở đúng quy hoạch thì không biết nhà đâu để ở. Cách đó chừng vài trăm mét, hẻm 250 dài 40m, chỉ có 6 hộ ở nhưng lại được quy hoạch mở rộng 4m cả chục năm nay nhưng rồi cũng… để đó. Các hộ trong hẻm luôn trong trạng thái thấp thỏm, nhà bán thì không có giá, tu sửa thì không được cấp phép.

Tại quận Gò Vấp, theo Phòng Quản lý đô thị, hiện quận có hơn 900 con hẻm nhỏ hơn 2m; ở quận 10, tại các khu dân cư tự phát, đa phần chiều ngang hẻm chỉ 1m. Ngay quận 1, sau khi UBND quận bàn qua tính lại đã quyết định giữ nguyên hiện trạng của 64 con hẻm vì việc mở rộng không khả thi. Xem ra công cuộc mở hẻm gặp trăm bề rối, còn những nơi do hài hòa lợi ích mà người dân hiến đất mở hẻm thì chỉ là chuyện hiếm. Vì vậy, nhiều con hẻm được công bố lộ giới từ năm 2000 đến nay, qua nhiều lần vận động, thuyết phục người dân vẫn chưa đồng ý mở hẻm. Rất nhiều ý kiến cho rằng nên xóa quy hoạch ở những con hẻm này, giữ nguyên hiện trạng. 

NGỌC HIẾU

Tin cùng chuyên mục