Mở rộng hoạt động trải nghiệm cho học sinh

Nhằm tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã mạnh dạn đổi mới hình thức học tập theo hướng tăng cường tính trải nghiệm và tương tác cho học sinh. 

Ở đó, lớp học không còn giới hạn trong bốn bức tường mà đã mở rộng nhiều nơi khác như doanh trại, nhà hát, xưởng chế tác thủ công… Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động này thật sự mang lại hiệu quả?

Nhìn tận mắt, nghe tận tai

Giữa tuần qua, hơn 350 học sinh khối 9 Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) đã có buổi hoạt động trải nghiệm với chủ đề "Một ngày làm chiến sĩ" tại Đại đội kiểm soát quân sự 1 - Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 31 (quận 11).

Cô Nguyễn Thị Thùy Nhiên, giáo viên Tổ Ngữ văn của trường, cho biết với mục tiêu giáo dục học sinh một số giá trị sống cơ bản như lễ phép, tôn trọng, yêu thương và trách nhiệm, đồng thời bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tổ bộ môn đã triển khai buổi học trải nghiệm ngoài nhà trường. Qua đó giúp học sinh có cơ hội được giao lưu, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt cũng như lý tưởng sống và chiến đấu cao đẹp của các anh bộ đội thuộc Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31.

Tại đây, ngoài việc tham quan khu vực ăn ở, tìm hiểu nề nếp sinh hoạt của các anh bộ đội, học sinh còn được hướng dẫn thực hiện một số điều lệnh trong di chuyển như nghỉ, nghiêm, bước đều, quay tại chỗ… Đặc biệt, nội dung được các em chờ đợi nhất là cách sử dụng và tháo lắp súng AK.

Mở rộng hoạt động trải nghiệm cho học sinh ảnh 1 Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) tham gia buổi trải nghiệm 
với chủ đề “Một ngày làm chiến sĩ”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nguyễn Diệu Xuân Thu, học sinh lớp 9/8, chia sẻ buổi học đã khiến em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên về tính kỷ luật trong sinh hoạt, đến khâm phục ý thức tự giác, sống có lý tưởng rõ ràng của các anh bộ đội. Thông qua buổi giao lưu, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng sống quan trọng, như kỹ năng quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, kiên định và ra quyết định, kỹ năng phòng vệ chính đáng…

Trước đó, vào cuối tháng 9-2019, học sinh khối 10 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã hào hứng tham gia tiết học mở với chủ đề “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam - dân ca”. Người báo cáo chuyên đề, TS Võ Sông Hương (giảng viên Trường Đại học Hồng Bàng) đã mở đầu buổi học bằng một đoạn phim ngắn về người nước ngoài hát dân ca quan họ.

“Người nước ngoài hát được dân ca Việt Nam thì người Việt Nam nhất định phải biết và hát được dân ca Việt Nam”, lời khẳng định của nữ giảng viên khiến cả khán phòng im lặng. Trong toàn bộ tiết học, TS Võ Sông Hương đã trở thành cầu nối giúp học sinh tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc như hát xoan, quan họ, hát đúm, ả đào, ca trù… 

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết tới đây, hơn 1.000 học sinh khối 10 và 12 sẽ được tổ chức xem chương trình nghệ thuật “100 năm nguồn cội” biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành. “Thông qua hoạt động, học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Nam bộ cũng như phát huy những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc”, vị hiệu trưởng bày tỏ. 

Tránh làm cho có 

Tại văn bản của Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm trong trường học năm học 2019-2020 ghi rõ: “Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh được bố trí thực hiện trong khung chương trình chính khóa với thời lượng 2 tiết/tháng, thể hiện cụ thể trong kế hoạch giáo dục và phân công người phụ trách.

Ngoài ra, cũng trong năm học 2019-2020, việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm sáng tạo, phù hợp chuẩn kỹ năng, kiến thức theo chương trình giáo dục hiện hành, có tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới”. 

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), cho biết theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT, trường học phải dành 50% thời lượng dạy học buổi 2 để tổ chức các tiết học văn hóa, 50% thời lượng còn lại dùng để tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong đó, hình thức tổ chức chuyên đề dạy học và hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ do cơ sở giáo dục tự lên kế hoạch triển khai và chịu trách nhiệm về nội dung thực hiện. Như vậy, việc đẩy mạnh triển khai các hình thức học tập này không chỉ là “khuyến khích” mà đã trở thành một trong những nhiệm vụ của cơ sở, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện kỹ năng, phẩm chất cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai ở các đơn vị nhiều năm qua cho thấy vẫn còn sự chênh lệch về nội dung và hình thức tổ chức. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THPT ở quận 1 phân tích, với trường có ít học sinh thì loay hoay về kinh phí (do nguồn thu hạn chế, trong khi hoạt động trải nghiệm cần nhiều chi phí cho học sinh di chuyển, mời diễn giả, thuê đạo cụ…).

Riêng với trường có số lượng học sinh đông, hoạt động phải tính đến việc làm thế nào để đạt hiệu quả cho tất cả học sinh khi nhu cầu học tập của các em rất khác nhau. Chưa kể, khi tổ chức một tiết học tập trải nghiệm, giáo viên phải xây dựng đồng thời phương án học tập dự phòng dành cho những học sinh không có đủ điều kiện tham gia, tạo điều kiện cho các em có thể tự học tại trường hoặc tại nhà.

Vì vậy, để mở rộng hình thức học tập này cũng như tăng cường hiệu quả giáo dục cho học sinh, các trường cần chủ động vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tận dụng thêm nguồn lực xã hội hóa, tránh tình trạng “làm cho có” gây thiệt thòi cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục