Mở rộng hợp tác nông nghiệp Nhật Bản - Việt Nam

Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK) vừa thực hiện chương trình về các nghiên cứu phế phẩm nông nghiệp cho mục đích y khoa, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh và bền vững của nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Vừa hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ ngành nông nghiệp tại Đại học Hiroshima hồi tháng 9-2022, Lã Hoàng Anh hy vọng nghiên cứu của mình sẽ là một “mảnh ghép” trong ngành nông sinh y.

Nghiên cứu sinh Lã Hoàng Anh

Nghiên cứu sinh Lã Hoàng Anh

Đề tài của Lã Hoàng Anh là khai thác các hợp chất chiết xuất từ phụ phẩm nông lâm nghiệp hoặc từ các loại cỏ dại xâm lấn, sau đó kiểm tra hoạt tính sinh học của chúng để từ đó có thể phát triển thuốc chữa bệnh. Từ một cán bộ nghiên cứu của Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam, đến khi sang Nhật Bản nghiên cứu bậc thạc sĩ vào năm 2015, con đường nghiên cứu trong những năm qua của Lã Hoàng Anh trải qua không ít gian nan. Đã có không ít thất bại trong phòng nghiên cứu, song Lã Hoàng Anh vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Trường Đại học Hiroshima đã trao 2 giải thưởng sinh viên xuất sắc cho Lã Hoàng Anh trong năm 2021. Năm 2022, Lã Hoàng Anh nhận được giải thưởng là sinh viên có đóng góp lớn cho trường trong học thuật thông qua các công bố khoa học. Nghiên cứu của Lã Hoàng Anh nhận được nhiều sự quan tâm của các tạp chí cũng như nhà khoa học trên thế giới.

Nghiên cứu sinh Lê Trần Thanh Liêm

Nghiên cứu sinh Lê Trần Thanh Liêm

Trong khi đó, với mong muốn phát triển một nền nông nghiệp Việt Nam thích ứng cao hơn với biến đổi khí hậu, Lê Trần Thanh Liêm đến Nhật Bản hy vọng học hỏi được công nghệ cũng như những giải pháp thực hành nông nghiệp tốt hơn để có thể biến mong mỏi lâu nay của mình thành hiện thực.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành khoa học nông nghiệp tại Đại học Kyushu vào tháng 9-2022, Thanh Liêm cho biết đã giải quyết được vấn đề cho 3 nhóm cây trồng phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, Liêm tìm được giải pháp tận dụng cây chanh không hạt để giảm thiểu được phát thải khí nhà kính.

Đúng như ấp ủ và mong mỏi của mình, Thanh Liêm đã trở lại công tác tại Đại học Cần Thơ để triển khai trên thực tế nghiên cứu nói trên. Trong tương lai, Thanh Liêm muốn nhân rộng mô hình này cho những nhóm cây trồng khác và có thể hướng đến những vùng sản xuất khác bên ngoài ĐBSCL.

Nghiên cứu sinh Phạm Thành Đồng

Nghiên cứu sinh Phạm Thành Đồng

Mong muốn ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, Phạm Thành Đồng đã chọn Nhật Bản là nơi triển khai đề tài ấp ủ sau 4 năm theo đuổi. Đó là dùng AI thay cho sức lao động của con người để nhận diện côn trùng. Phạm Thành Đồng đang nghiên cứu tại Đại học Kyushu về mô hình nông nghiệp thông minh để kiểm soát côn trùng trên cây trồng. Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Đại học Kyushu, Thành Đồng hy vọng sau này sẽ trở về để đóng góp cho nền nông nghiệp thông minh ở quê hương là tỉnh Bình Dương.

Thúc đẩy hợp tác

Trong nhiều năm qua, Đại học Kyushu và một số trường đào tạo nông nghiệp ở Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu về nông lâm nghiệp bền vững, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và khủng hoảng lương thực. Đây cũng là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo thường niên lần thứ 4 về khoa học liên ngành mà Đại học Kyushu tổ chức cuối năm 2022.

Giáo sư Nakao Miki, Trưởng khoa Nông nghiệp (Đại học Kyushu), nhấn mạnh, hợp tác giữa các trường đại học Nhật Bản nói chung và Đại học Kyushu nói riêng với các trường đại học Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Miki bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ này: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và đào tạo liên quan đến chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh và có thể là những lĩnh vực khác liên quan đến nông nghiệp hiện đại sử dụng công nghệ cao, chẳng hạn như công nghệ sinh học hiện đại và khoa học kinh tế”.

Theo ông Nakao Miki, trong năm học 2022, có 22 học viên cao học và nghiên cứu sinh nông nghiệp đến từ Việt Nam đang theo học tại Khoa Nông nghiệp, Đại học Kyushu. Ngoài học bổng của chính phủ, trường hoặc các tập đoàn Nhật Bản, những ai đam mê nghiên cứu có thể theo đuổi con đường này tại Nhật Bản thông qua các chương trình và dự án phát triển nguồn nhân lực mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản triển khai tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục