Kết thúc 2 tháng đầu năm, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến nhiều ngành hàng đã chủ động mở rộng quy mô cũng nâng cao chất lượng xuất khẩu.
Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2015, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt gần 1,6 triệu tấn, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch đạt 672 triệu USD. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, dầu thô trong nước chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc với 300.000 tấn, tăng 62,5%; xuất khẩu sang Úc với gần 248.000 tấn, giảm 13,6%; Malaysia đạt 231.000 tấn, tăng 15,3% và xuất khẩu sang Singapore đạt 224.000 tấn...
Tương tự, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá xuất khẩu trong tháng 2 đầu năm 2015 đạt 945 triệu USD; qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng đầu năm 2015 lên 2,22 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện EU là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong 2 tháng qua với 496 triệu USD, tăng 89,8%; tiếp theo là Hoa Kỳ với 374 triệu USD, tăng mạnh 83%; Trung Quốc là 322 triệu USD, tăng 23,4% và Hàn Quốc 84 triệu USD, tăng mạnh 134%.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 3,25 tỷ USD, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang chiếm ưu thế, thị trường chính tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục đứng đầu về kim ngạch với 1,57 tỷ USD, tăng 9,37% so với cùng kỳ với thị phần chiếm tới 48,32% tổng kim ngạch, trong năm nay có thể đạt trên 11 tỷ USD. Kế đến, một số thị trường lớn đạt kim ngạch trên 100 triệu USD gồm: Nhật Bản 412,33 triệu USD, chiếm 12,69% trong tổng kim ngạch, tăng 8,69%; Hàn Quốc 321,66 triệu USD, chiếm 9,9%, tăng 15,66%; Anh đạt 104,59 triệu USD, chiếm 3,22%, tăng trên 40%. Đáng chú ý, thời gian gần đây sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch tại các thị trường nhỏ của ngành dệt may như: Chile tăng trên 384,88%, Hy Lạp hơn 299,9% và Phần Lan trên 167,59%, Argentina trên 142,84%, Senegal hơn 108%. Điều này chứng tỏ, cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường này đang rất lớn. Đây cũng là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp dệt may đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Theo nhận định của Bộ Công thương, năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại có thể kết thúc, cơ hội cho dệt may Việt Nam rộng hơn. Thị trường châu Âu (EU) được đánh giá tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam trong thời gian tới nhờ nhu cầu lớn và khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU. Tương tự, với thị trường Hoa Kỳ, kỳ vọng lớn nhất là Hiệp định TPP sẽ được ký kết, khi đó, thuế suất sẽ giảm dần và tăng thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường này.
LẠC PHONG