Mở rộng quy mô kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là xu thế phát triển chung của tất cả các nền kinh tế hiện nay, nhằm bảo vệ một hành tinh xanh, giảm thiểu tăng trưởng nóng, mang lại những giá trị xanh cho nền kinh tế, quyết tâm không đánh đổi lợi ích về môi trường với lợi ích kinh tế.

Tại Nhật Bản, kinh tế tuần hoàn đã phát triển từ năm 1999 với những quyết định, hành động đầu tiên của chính phủ. Với tầm nhìn này, đến nay, kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản đã được nâng cấp, hoàn toàn chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn áp dụng 3R (reduce - reuse - recycle: giảm sử dụng - tái sử dụng - tái chế) để kéo dài vòng đời của sản phẩm trong nền kinh tế. Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản được hỗ trợ bởi sự hợp tác hiệu quả giữa chính phủ, người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong phân tách nguồn tái chế, nhà sản xuất có vai trò trong việc tái chế rác thải hoặc nguyên vật liệu, sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài. Trong khi đó, chính phủ có vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý và khuyến khích tái chế nguyên vật liệu.

Nhật tích cực tái sử dụng và tái chế hàng hóa và vật liệu. Ảnh: BLOOMBERG
Nhằm hướng tới kinh tế trung hòa carbon (không phát thải carbon) vào năm 2050, Chính phủ Nhật Bản vừa nâng cao mục tiêu đến năm 2030, mở rộng quy mô kinh tế tuần hoàn trong nước lên 80.000 tỷ yen (khoảng 581,67 tỷ USD), trong đó tập trung vào giảm lượng khí thải carbon thông qua việc tái sử dụng các sản phẩm và tài nguyên. Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi số lượng tái chế các sản phẩm thiết bị điện tử và pin lưu trữ được thu gom bởi các công ty và chính quyền địa phương, vốn là những bộ phận thường xuất hiện trong các thiết bị gia dụng nhỏ đã qua sử dụng; tăng cường các biện pháp để giảm lượng rác thải thực phẩm xuống còn 4 triệu tấn hoặc ít hơn và thúc đẩy tái chế các kim loại quý hiếm khác nhằm nâng tính bền vững và chuyển dịch từ các vật liệu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch đến nguyên liệu sinh khối.

Hiện nay, nhu cầu toàn cầu đối với lithium và các kim loại hiếm khác cần thiết cho quá trình sản xuất pin xe điện đang tăng cao, trong bối cảnh các quốc gia đang hướng tới loại bỏ các loại hình ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tìm cách tăng nhập khẩu các thiết bị gia dụng phế thải từ các nước, trong đó có cả các nước ở Đông Nam Á. Lịch trình này bao gồm các biện pháp xử lý pin mặt trời, được cho là sẽ hết tuổi thọ vào cuối những năm 2030. Bộ trên cũng sẽ kêu gọi thiết lập các vùng pháp lý để thúc đẩy việc tái sử dụng và tái chế các tấm pin mặt trời, vốn đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản kể từ thảm họa động đất gây sóng thần tháng 3-2011. Bộ sẽ cấp kinh phí để thử nghiệm các công nghệ tái chế trong ngân sách năm 2023 nhằm giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng sẽ xem xét các mục tiêu thúc đẩy giảm phát thải carbon, tăng cường tái sử dụng, sửa chữa và nghiên cứu các cách sử dụng bền vững khác đối với hàng may mặc.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… ngày càng báo động như hiện nay, kinh tế tuần hoàn không nên là chiến lược của từng quốc gia riêng rẽ mà cần thực hiện dựa trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia với nhau. Như vậy mới có thể thực hiện được kinh tế tuần hoàn toàn cầu vì hành tinh xanh thực sự.

Tin cùng chuyên mục