Mở rộng thi tuyển lãnh đạo - giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ

Yêu cầu mở rộng thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng theo Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa XII) là sự đổi mới, đột phá trong công tác tuyển dụng. Song, để thực hiện hiệu quả việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo thì cần quyết tâm để vượt qua các rào cản về quy hoạch, biên chế và cách đánh giá thành tích của cán bộ công chức.

Thi tuyển mới trọng dụng được người tài

Mới đây, Bộ Nội vụ đã trao quyết định bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ gồm  Phó chánh Văn phòng bộ, Phó Chánh Thanh tra bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước. Đây là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ được tuyển chọn thông quy kỳ thi tuyển cạnh tranh do Bộ Nội vụ tổ chức.

Thật ra tín hiệu đáng mừng này đã có từ lâu ở một số địa phương. Từ năm 2006 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Theo đó, hơn 50 vị trí, chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua hình thức này với sự tham gia cạnh tranh của hơn 150 người dự tuyển. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có những bước đột phá trong việc làm chuyển biến mạnh mẽ quy trình tuyển chọn chức danh lãnh đạo cho nền hành chính công.

Một số địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, Quảng Ninh... cũng từng thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh phó giám đốc sở.

Mở rộng thi tuyển lãnh đạo - giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ ảnh 1 Lớp bồi dưỡng kiến thức năm 2018 cho cán bộ TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tương tự, năm 2014, UBND TPHCM cũng xây dựng đề án thi cấp trưởng và cấp phó trưởng phòng các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Sở Tư pháp TPHCM là đơn vị đầu tiên ở TPHCM tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Tuy nhiên, TPHCM đã phải tạm dừng đề án trước khi mở rộng thi tuyển các chức danh giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương.

Thực trạng ở nước ta, ngoài hiện tượng chạy chức chạy quyền được chỉ rõ thời gian qua, công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức chậm thay đổi.

Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, công chức chậm được áp dụng để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào cảm tính, định tính, thiếu lượng hóa khoa học...

Chính điều đó làm cho bệnh mua quan bán chức có đất sống. Cùng đó, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Để khắc phục các bất cập trên, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, thực hiện mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng.

Chính việc mở rộng diện quy hoạch và tổ chức thi tuyển mới có thể trọng dụng được cả người trong và ngoài Đảng có tài đức, tâm huyết phấn đấu cho đất nước.

Đồng thời việc đổi mới phương thức tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý bằng cách thi tuyển cạnh tranh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay.

Cạnh tranh để nâng chất lượng phục vụ

Người dân có quyền đòi hỏi được cung cấp những dịch vụ hành chính có chất lượng cao. Do đó, các cơ quan công quyền phải có những đột phá đối với việc cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Đối với đội ngũ cán bộ công chức nói chung, trong chừng mực nào đó đã tiến hành nghiêm túc việc thi tuyển cạnh tranh và áp dụng quy định về công chức dự bị.

Hy vọng qua một thời gian cùng với nhiều biện pháp hữu hiệu, tích cực sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, đối với công chức lãnh đạo các cấp thì chất lượng cũng cần được cải thiện, không thể mãi theo cách “sống lâu lên lão làng”. 

Có một nguyên tắc trong việc cung cấp dịch vụ: muốn có chất lượng dịch vụ cao vừa lòng khách hàng (người dân) phải thông qua cơ chế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công cũng không ngoài quy luật này.

Song, loại dịch vụ này chỉ duy nhất cơ quan công quyền cung cấp nên “nguyên tắc cạnh tranh” ở đây chỉ còn cách tuyển chọn công chức ngồi ở vị trí cung cấp dịch vụ theo cơ chế cạnh tranh.

Việc thi tuyển cạnh tranh cũng giải quyết được nhiều vấn đề, tránh cục bộ trong từng vụ, từng cơ quan đơn vị.

Theo đó, cán bộ công tác lâu năm được ưu tiên chọn trước thì với thi tuyển cạnh tranh, những người đủ tiêu chuẩn ngang nhau sẽ thi cạnh tranh. Nghĩa là những người có điều kiện ngang nhau thì cơ hội ngang nhau và khắc phục tình trạng “chạy chức chạy quyền”, “bổ nhiệm thân quen”…

Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất khi thi tuyển cạnh tranh là những cá nhân được quy hoạch cấp ủy hoặc đang là cấp ủy không trúng tuyển, còn người trúng tuyển lại ngoài quy hoạch thì xử lý thế nào?

Vì vậy, chúng ta nên “rộng cửa” cho các ứng viên dự thi nằm trong diện quy hoạch động, quy hoạch mở của một chức danh nào đó, thậm chí quy hoạch ở đơn vị khác, thay vì quy hoạch khép kín chỉ có một người cho một chức danh như lâu nay.

Cùng đó, chúng ta có thể áp dụng trước bước sơ tuyển, xét tuyển để chọn những ứng viên có đủ các tố chất cần thiết rồi tổ chức thi tuyển. Đặc biệt cũng cần thay đổi quan niệm về “biên chế”, một nguyên nhân gây ra sức ỳ và trì trệ.

Quan niệm cơ chế “biên chế” cần được thay bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt, kể cả công chức lãnh đạo và thay đổi việc đánh giá thành tích của cán bộ công chức, trong đó ưu tiên dựa vào kết quả, hiệu quả công việc.

“Muốn cải cách hành chính thành công phải có quyết tâm chính trị cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được đại bộ phận công chức đồng tình, chấp hành”.

Vấn đề ở đây là các cấp lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị cao mới có được những cách làm mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, cầm quyền một cách dân chủ, khoa học và làm tròn vai trò tiên phong của giai cấp, của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục