Mở rộng tín dụng bất động sản sẽ gây khó khăn cho các mục tiêu của chính sách tiền tệ

Sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng trong cho vay bất động sản là dự án có nhu cầu vốn lớn, vay dài hạn trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên khi cấp vốn cho dự án bất động sản, tổ chức tín dụng sẽ đối mặt rủi ro thanh khoản.

Chiều 3-11, được mời phát biểu xung quanh vấn đề vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng trong cho vay bất động sản là dự án có nhu cầu vốn lớn, vay dài hạn trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên khi cấp vốn cho dự án bất động sản, tổ chức tín dụng sẽ đối mặt rủi ro thanh khoản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thị trường bất động sản phát triển an toàn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội. 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐB về vấn đề vốn cho thị trường bất động sản. Ảnh: QUANG PHÚC

Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nguồn lực từ các kênh như: đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách, vốn tự có, còn vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tín dụng là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống… Việc mở rộng tín dụng bất động sản sẽ gây khó khăn cho các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Do vậy, việc điều hành cần cân nhắc, thận trọng.  

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, quá trình kiểm soát rủi ro của Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp mà gián tiếp, quy định theo hướng kiểm soát rủi ro. Ví dụ, với kinh doanh bất động sản, hệ số rủi ro là 200%; vay mua nhà trên 4 tỷ đồng, hệ số rủi ro là 150%; mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng hệ số rủi ro dưới 50%...
Đồng thời, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là ưu tiên cấp tín dụng cho nhà ở phân khúc thấp. Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cụ thể, Chính phủ đã có Nghị định 100 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân theo quy định. Các tổ chức tín dụng được chỉ định trong nghị định chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí, nên chưa thể thực hiện cho vay.

Thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội và giải pháp tín dụng sẽ cân nhắc trong tổng thể các giải pháp khác.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước đó, băn khoăn về tính khả thi của đề án phát triển 1 triệu nhà ở xã hội, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt vấn đề, vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án xây dựng nhà ở xã hội với số tiền bỏ ra rất lớn. Thực tế, hiện nay, nhà ở xã hội không còn hấp dẫn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xây nhà ở xã hội không bán được do vướng cơ chế, sau đó lại chuyển trở thành nhà ở thương mại để bán.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân, có nhiều giải pháp, từ rà soát xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện, huy động nguồn lực… Bộ sẽ phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi của đề án.

Tin cùng chuyên mục