Phát triển nhà ở xã hội: Vẫn loay hoay tìm lời giải

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa trình Chính phủ Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Để kế hoạch này khả thi, cần nhiều giải pháp tháo gỡ.
Nhà ở xã hội Ehome S tại Khu đô thị Mizuki Park, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhà ở xã hội Ehome S tại Khu đô thị Mizuki Park, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ít dự án, nhiều dở dang

TPHCM vừa chính thức phê duyệt kế hoạch phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu phát triển 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 35.000 căn (gồm cả nhà lưu trú công nhân và ký túc xá sinh viên).

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TPHCM có 12 dự án NƠXH và nhà lưu trú công nhân đang triển khai. Hiện có 1 dự án đã đưa vào sử dụng là dự án Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) quy mô 260 căn do Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn 9 dự án NƠXH khác đang thi công và làm thủ tục đầu tư xây dựng, với tổng cộng hơn 6.000 căn hộ.

Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng một số dự án NOXH không suôn sẻ. “Điều tiếng” nhất hiện nay là dự án Vĩnh Lộc Dgold tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Nhân làm chủ đầu tư, với quy mô 1.344 căn hộ. Chủ đầu tư cam kết dự án sẽ được bàn giao vào quý 2-2020, rồi tháng 6-2022 nhưng hiện tại vẫn chưa hoàn thiện khiến khách hàng bức xúc, gửi đơn kêu cứu đến khắp nơi. Sở Xây dựng cũng vừa gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm bàn giao nhà cho cư dân.

Một dự án cũng gây lùm xùm dư luận suốt thời gian dài là dự án tổ hợp nhà ở - NƠXH Tân Bình tại đường Hoàng Bật Đạt (phường 15, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư với quy mô 168 căn hộ. Chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào tháng 3-2016 nhưng đến nay cư dân vẫn chưa được bàn giao nhà. Tình hình cũng không “sáng sủa” với dự án NƠXH tại 324 Lý Thường Kiệt (quận 10) với quy mô 1.102 căn hộ do Công ty CP Đức Mạnh làm chủ đầu tư. Đến nay, việc xây dựng chưa tiến hành, dù dự án từng bị các sàn bất động sản bán “chui” suốt thời gian dài với cái tên khu chung cư Phú Thọ DMC.

Dự án đang triển khai xây dựng không hoàn thành theo tiến độ, trong khi một số dự án khác lại bị vướng pháp lý như dự án NƠXH thuộc khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) và khu nhà ở phường Phú Hữu (TP Thủ Đức)…

Thủ tục riêng cho NƠXH

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, nhận định, việc xây dựng 35.000 căn NƠXH hay mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho công nhân không thể tính trong vài năm mà cần cả thập niên. Trong đó cần nhất 2 điều: quỹ đất để làm dự án và thủ tục pháp lý nhanh chóng. Thực tế cho thấy, thủ tục pháp lý làm dự án NƠXH phải qua rất nhiều quy trình, nhiều bước, trong khi lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp không mặn mà.

 Phát triển nhà ở xã hội: Vẫn loay hoay tìm lời giải ảnh 1 Một góc dự án nhà ở xã hội Zen Tower (phường Thới An, quận 12, TPHCM)

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, doanh nghiệp chuyên làm NƠXH, cho rằng, thủ tục phê duyệt NƠXH hiện nay không có quy trình, tiêu chuẩn thiết kế riêng, khiến doanh nghiệp chỉ biết dựa theo thủ tục của dự án nhà ở thương mại. Dù về mặt chính sách đã có Nghị định 100 và Nghị định 49 về NƠXH nhưng triển khai lại vướng nhiều thứ, đơn cử như có nhiều ưu đãi doanh nghiệp rất khó chạm tới. Thời gian qua, Công ty Lê Thành xin thủ tục pháp lý cho dự án NƠXH nhưng 3 năm chưa xong; 5 năm qua doanh nghiệp làm NƠXH phải vay với lãi suất nhà ở thương mại nên không thể có nhà giá rẻ.

Trong quá trình quản lý và phát triển NƠXH và nhà lưu trú công nhân, Sở Xây dựng nhận thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc nên đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể nhiều nội dung. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc đầu tiên là cách thức xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án nhà ở thương mại cho Nhà nước; cần chỉ định cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt các chi phí trên để hoàn trả cho chủ đầu tư. Tiếp đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố kiến nghị các bộ ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục đầu tư NƠXH. Ngoài ra, đối với các dự án nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất 2-10ha được chấp thuận đầu tư trong giai đoạn từ tháng 12-2015 đến tháng 4-2021, nếu chủ đầu tư điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện nghĩa vụ NƠXH tại thời điểm được chấp thuận đầu tư… 

Tin cùng chuyên mục