Tuy nhiên, chuyến đi không thành công của ông Park cũng buộc người làm bóng đá Việt Nam phải suy nghĩ. Việc một lần nữa chúng ta phải tìm đến các nguồn cầu thủ Việt kiều cho thấy quá trình chuẩn bị nội lực của bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.
Cách đây đúng 10 năm, lần đầu tiên trong lịch sử, các cầu thủ nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam đã được gọi lên đội tuyển. Đó là một thử nghiệm mạo hiểm của VFF cho giấc mơ World Cup 2010. Đột phá ấy nhanh chóng kết thúc do không đạt được sự đồng thuận. Nhưng nhờ việc thống nhất “không dùng Tây nhập tịch”, các trung tâm đào tạo trẻ hiện đại như HA.GL, PVF, Viettel… mới được ra đời để tạo sản phẩm “cây nhà lá vườn, chất lượng thế giới”. Nói cách khác, hơn 10 năm trước chúng ta đã nhìn thấy sự hụt hẫng về chất lượng cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là thể hình và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, những yếu tố mang tính cơ bản ngăn cản sự thay đổi về đẳng cấp của bóng đá Việt Nam.
Vậy nhưng 10 năm sau, cho dù đang sở hữu lứa cầu thủ rất tài năng, thì những tồn tại ấy vẫn còn nguyên. Không phải tự nhiên mà HLV Park Hang-seo lại nhắm đến các cầu thủ Việt kiều và đặc biệt chú ý đến những cầu thủ đá tiền đạo. Đơn giản là họ có thể hình to cao, khả năng hoạt động cá nhân tốt và đã quen làm việc ở môi trường cạnh tranh cao hơn Việt Nam. Chưa xét đến yếu tố tài năng, thì những chi tiết nói trên cũng đã giúp cầu thủ Việt kiều vượt trội những cầu thủ trong nước. Một khi đã mơ đến chuyện dự World Cup, cũng có nghĩa là phải đối đầu một cách thường xuyên với các đội bóng có thể hình, sức lực và đẳng cấp cao hơn chúng ta rất nhiều. Bài học của Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018 đã buộc HLV Park Hang-seo phải vất vả hơn trong việc tìm người cho các đội tuyển.
Chúng ta sẽ không biết ông Park sẽ làm được gì với lứa cầu thủ hiện tại, nhưng VFF cũng như những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam phải biết họ nên làm những gì ngay từ bây giờ. Dự World Cup, góp mặt ở Olympic, là những giấc mơ xa cần được duy trì để có khát vọng phấn đấu, nhưng cải thiện chất lượng cầu thủ, bắt đầu từ hình thể và trình độ văn hóa lại là chuyện cần làm ngay. Không nên tái diễn trường hợp như tiền vệ Tuấn Anh (HA.GL), được khen rất nhiều về tài năng nhưng lại quá yếu về hình thể khiến cho chấn thương liên tục hành hạ, rốt cục chưa đóng góp gì nhiều cho quốc gia. Trường hợp của cầu thủ xuất ngoại như Xuân Trường, Công Phượng… chỉ đá tốt trong 50-60 phút ở các trận đấu tại Thái Lan, Hàn Quốc cũng là ví dụ về giới hạn thể chất. Trong khi đó, việc cải thiện thể hình cầu thủ thường không đến trong thời gian ngắn, cần rất nhiều công đoạn từ khâu tuyển sinh, đào tạo, dinh dưỡng.
Chúng ta đã mất 10 năm nhưng lại không thể giải quyết được một vấn đề mang tính căn bản, là do sự ngắn hạn trong tư duy của VFF, đơn vị điều hành nền bóng đá. Thực tế là hiện nay, ở V-League, số tiền đạo có chiều cao từ 1m80 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các thủ môn thể hình vượt trội hiện cũng hầu như không thấy. Những cầu thủ có kỹ thuật tốt, có khả năng sáng tạo, đều… thấp bé. Chẳng có gì thay đổi so với trước trong khi đẳng cấp, mục tiêu thì đã khác rất nhiều.
Hoàn toàn không có một tầm nhìn chiến lược nào được đưa ra suốt 3 nhiệm kỳ VFF vừa qua, dù ai cũng thấy rõ điểm yếu. VFF không thể chờ đợi kết quả của quá trình thay đổi thể chất chung của người Việt theo những chương trình dinh dưỡng quốc gia. Việc cải thiện chiều cao trung bình của một đội bóng đương nhiên là khả thi, nhanh hơn so với hàng chục triệu người. Vấn đề là một tổ chức như VFF có gạt bỏ được tư duy nhiệm kỳ để đưa ra các quyết sách, áp dụng trực tiếp cho nền bóng đá, để tạo những thay đổi cho các nhiệm kỳ kế tiếp.