Hai bên tỉnh lộ 817 (thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) đang mùa lũ về nên nước mênh mông. Phóng tầm mắt xa xa, chỉ thấy vài ngôi nhà và vệt cây mờ xanh giữa biển nước. Ghé quán nước bên đường, có vài người đang rôm rả bàn về chuyện lũ. Ngồi ké vô bàn chuyện, được một anh có vẻ lớn tuổi nhất, cho biết: Năm nay lũ về trễ một tháng so với thường khi nhưng mực nước cao hơn năm rồi 5 - 6 tấc. Lũ về là có cá, tôm, phù sa, giúp vệ sinh đồng ruộng…
Nước lũ tràn đồng
Chợt nghĩ, cũng lũ mà ở miền Trung lại buồn lo, còn ở miền Tây Nam bộ thì… người dân vui ra mặt. Nhìn mấy con vịt bụng căng tròn, đang rỉa lông bên bờ nước, một anh trong quán nói: “Chú thích vịt hả? Hay trưa nay ở lại, cháu mần vịt nhậu”. Một người khác nói vào: “Dân thành phố xuống, chú em phải đãi một chầu cá linh mùa lũ, chứ vịt thì thường quá”.
Cảm động trước tính hào phóng của người dân miền Tây Nam bộ, mới gặp người lạ từ TPHCM xuống mà nói chuyện vui vẻ, rủ ăn nhậu như là người quen lâu rồi.
* * *
Đến làm việc với Đảng ủy xã Bình Hòa Trung, anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, đây là xã đứng đầu 7 xã của huyện Mộc Hóa về việc xây dựng nông thôn mới. Xã đang chú trọng xây dựng vùng lúa chất lượng cao với phương thức cánh đồng lớn khoảng 1.026ha. Xã đã thực hiện chương trình này được 420ha do Tập đoàn Lộc Trời đầu tư kỹ thuật, cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra. Lúc đầu xã thực hiện chương trình này cách đây vài năm có khó khăn nhưng hiện đang tiến triển tốt, được nhiều người dân tham gia. Dự kiến, đến năm 2017 sẽ thực hiện thêm 500ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Trung, anh Phạm Hoàng Thanh, nói thêm: “Nếu người dân ở ngoài canh tác lúa, thu lợi nhuận 1ha khoảng 15 - 17 triệu đồng/vụ, còn vào HTX sẽ thu được từ 18 - 20 triệu đồng do tiết kiệm được các khoản đầu tư và đầu ra ổn định nên có lợi hơn. Lợi ích thấy rõ, nên nhiều nông dân đã tham gia chương trình này. Hiện xã đã có mô hình phát triển 2 vụ lúa, 1 vụ mùa trồng đậu xanh, đem lại thu nhập nhiều hơn cho nông dân”.
Cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây tạo điều kiện thuận lợi đi lại, giao thương cho người dân
Trao đổi về việc chuyển dịch lao động, thanh niên trai tráng có bỏ quê đi xa làm công nhân, phụ nữ đi bán quán trên thành phố. Anh Phong cho biết, trung bình mỗi hộ đều có 2ha ruộng canh tác. Ở đây không có hộ đói, chỉ có 50 hộ nghèo, chiếm khoảng 4,6%, nhưng đa phần không ai bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Công việc nghề nông, các nghề phụ trợ như đan đệm, đan lục bình… cũng giúp dân an tâm sống tại quê hương.
Chia tay xã Bình Hòa Trung, chúng tôi đến xã Bình Phong Thạnh, nơi được xem là thị tứ của huyện Mộc Hóa. Trung tâm xã khá sầm uất với nhiều nhà phố, chợ, bưu điện… Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Minh, từ khi tỉnh lộ 817 được tráng nhựa năm 2014, giao thông phát triển, đời sống người dân cũng khởi sắc theo. Dự kiến cuối năm 2017, xã sẽ đạt đô thị loại 4. Quan tâm với việc phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà, anh Minh cho biết: “50% hộ dân sử dụng nước sạch vào năm 2014 và đến nay đã đạt 98%. Xu thế phát triển của địa phương vẫn gắn với việc phát triển nông nghiệp, theo định hướng phát triển của huyện”.
Không chỉ nói thuận lợi, anh Minh còn than rằng, khó khăn về cơ sở hạ tầng như đường hiện nay chỉ rộng 3,5m, cầu tải trọng 8 tấn, khó cho các xe tải trọng lớn vào vận chuyển nông sản. Vào mùa thu hoạch, chỉ cần chậm vài ngày là lúa dễ mất giá. Còn giao thông thủy thì nạn lục bình tràn ngập mặt sông, cản trở tàu bè đi lại. Hàng năm, ngân sách phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc thuê mướn phương tiện cơ giới vớt lục bình.
Xoay quanh việc phát triển kinh tế ở Bình Phong Thạnh, anh Minh sôi nổi: “Xã có diện tích 4.600ha nhưng có đến 1.026ha rừng tràm nguyên sinh. Xã xác định đây là mũi nhọn phát triển kinh tế, hướng tới sẽ lập dự án kêu gọi đầu tư mở tuyến du lịch sinh thái rừng tràm. Tôi đã đi nhiều nơi có rừng tràm như ở Cà Mau, Đồng Tháp… thấy không đẹp như rừng tràm ở Mộc Hóa, nhưng ở đó vẫn khai thác du lịch tốt; vì vậy, xã quyết định khai thác thế mạnh này. Chúng tôi đã có dự án mở đường vào vùng lõi rừng tràm. Có đường đi thuận tiện, dịch vụ du lịch hấp dẫn, hy vọng sẽ thu hút du khách”. Xã còn dự định sẽ tái trồng lại các cây của địa phương ngày xưa đã dần biến mất như cà na, cây trâm… Một khu du lịch xanh nghỉ dưỡng trong khu rừng tràm nguyên sinh là một phác thảo đầy hy vọng, không chỉ của xã Bình Phong Thạnh mà còn của cả huyện Mộc Hóa.
Từ trung tâm xã Bình Phong Thạnh, chỉ mất khoảng 10 phút xuồng máy vào đến Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (MEPHYDIC). Trước đây công ty này là Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười của Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bé, tên thường gọi “Ông Ba đất phèn”, tạo dựng.
Tiếp chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, người bạn đời của dược sĩ Nguyễn Văn Bé đang thay ông quản lý công ty, cũng chưa nguôi nỗi buồn vì chồng mới mất vào tháng 9-2016. Chị Ngọc Sương cho biết: Năm 1984, anh Ba về đây thành lập Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa, năm 2007 nâng lên thành trung tâm và năm 2009 thành lập công ty cổ phần. Với thành tích bảo tồn và phát triển khu rừng tràm nguyên sinh này, nên anh Bé được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2010.
Đứng trên ngôi nhà cao 5 tầng trong khu hành chính của công ty, phát tầm mắt ra xa có thể thấy mênh mông là rừng tràm xanh um đã có từ vài trăm năm nay. Bên phải có khu nhà máy chế biến tinh dầu. Kế toán trưởng Lê Minh Mẫn đưa chúng tôi đi tham quan rừng tràm nhưng chiếc xuồng máy thỉnh thoảng lại đứng máy giữa dòng kênh vì bè lục bình dày đặc cản đường. Luồn lách đi giữa hàng tràm xanh um, gió mát làm bớt sự oi bức của cái nắng chang chang buổi trưa. Vài cánh cò như muốn hướng dẫn khách tham quan, cứ bay trước xuồng máy; thoắt bay, thoắt đậu trước bè lục bình, chỉ cách xuồng máy vài mét, tăng thêm vẻ yên bình của một miền sông nước mênh mông hữu tình. Anh Mẫn giới thiệu: “Công ty đang sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu tràm, bạch đàn chanh, sả, nghệ, tần dày lá, nhàu, gừng… Ngoài cung ứng trong nước, đã có mặt hàng xuất khẩu sang nước ngoài”.
Đường vào khu rừng tràm nguyên sinh tại xã Bình Phong Thạnh
* * *
Tiếp chúng tôi tại khu trung tâm huyện, chị Nguyễn Thị Điệp, Phó ban Tuyên giáo huyện Mộc Hóa, cho biết: Huyện Mộc Hóa mới tách ra từ năm 2013. Diện tích tự nhiên là 29.764,25ha, dân số 29.853 nhân khẩu, tính ra xêm xêm 1ha/người. Là huyện mới nên có rất nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, hạ tầng còn ngổn ngang. Một số công trình mới hoàn thành trong năm 2016 như cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; các nhà văn hóa ở Bình Phong Thạnh, Tân Lập; đài truyền thanh huyện… Tất bật với công việc của huyện, Bí thư Huyện ủy Lê Văn Chính chỉ dành cho chúng tôi thời gian ngắn ngủi. Ông bảo: “Các anh thấy đấy, cơ sở vật chất còn ngổn ngang, công việc huyện mới còn nhiều bề bộn. Hôm qua mới họp, chúng tôi đang lo về việc thực hiện thí điểm tinh giản biên chế…”.
Công trình xây dựng khu hành chánh đang được cấp tập xây dựng
Trước khu nhà mới của huyện ủy, ủy ban huyện Mộc Hóa phía bên đường còn ngổn ngang những ụn đất, phía sau dễ nhìn thấy cơ ngơi một khu hành chính mới đang cấp tập xây dựng. Phía xa là cánh đồng nước lũ mênh mông; dọc theo đường đi, dày đặc những cây tràm gió đong đưa những chuỗi bông tràm trăng trắng, chúng tôi bắt gặp nhiều người đang trồng những cây tràm con. Chân lội dưới bùn sâu, thoăn thoát cặm những thân cây mỏng manh bằng cỡ chiếc đũa trên vùng đất thấm đậm phù sa. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, một thị xã mới tương lai rộn ràng sẽ không còn xa. Mộc Hóa không chỉ ngổn ngang là huyện mới mà còn là vùng đất phát triển của tương lai, của hương lúa, hương cá, hương tràm…thơm ngát.
QUỐC ANH