Không khó bắt gặp những quán nhậu khắp cả nước luôn đông kín các đệ tử “lưu linh”, bất kể sáng sớm hay đêm khuya. Theo đánh giá mới đây của Bộ Y tế, năm 2008, Việt Nam đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia thì đến năm 2016 đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực. Chỉ riêng năm 2017, sản lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam là 4 tỷ lít và con số này tiếp tục gia tăng, bởi theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia. Nếu dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ uống 52 lít bia/năm (tăng hơn 10 lít so với hiện nay).
Còn thống kê về mức tiêu thụ chung rượu, bia cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 2 ở Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới, với mức tiêu thụ bình quân là 8,3 lít cồn nguyên chất/người/năm - tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2003 - 2005. Tỷ lệ nam giới ở Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu, bia là 77% - tỷ lệ cao trên thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cứ 10 đấng mày râu thì ít nhất 7 người thường “lơ mơ” vì rượu, bia.
Lợi nhuận kinh tế do mức tiêu thụ rượu, bia ở nước ta đem lại không hề nhỏ. Tuy nhiên, lợi nhuận này rất nhỏ bé so với những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe con người và nhiều hệ lụy nguy hại khác cho cộng đồng do lạm dụng rượu bia gây ra. Các nghiên cứu y khoa chỉ rõ, việc lạm dụng rượu, bia có liên quan đến 200 bệnh tật không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần, ngộ độc… Chi phí trực tiếp cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu, bia (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) với chi phí lên tới hơn 25.000 tỷ đồng/năm. Nguy hiểm hơn, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tai nạn giao thông.
Thực trạng gia tăng lạm dụng rượu bia tràn lan mọi lúc, mọi nơi ở Việt Nam hiện nay là vấn đề xã hội rất đáng báo động. Mới đây, TS Shin Young-soo, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, đã gửi thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế và Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề nghị xúc tiến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia để trình lên Quốc hội cho đợt xem xét lần đầu vào tháng 10 tới. Ông Shin Young-soo nhìn nhận, việc sử dụng rượu, bia quá nhiều đang khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức y tế công cộng, đặc biệt là gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm gây ra, vốn chiếm khoảng 73% tổng số trường hợp tử vong tại Việt Nam. Đối với hậu quả về kinh tế xã hội, lạm dụng rượu, bia gây thiệt hại khoảng 1,3% - 3,3% tổng thu nhập GDP của Việt Nam. Ông Shin Young-soo cũng cho rằng, Việt Nam cần có một khung pháp luật tổng thể nhằm ngăn ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia và việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu, bia cần được pháp luật điều chỉnh một cách chặt chẽ để bảo vệ người dân trước các tác động nguy hại. Hơn nữa, đầu tư cho việc thực hiện các chiến lược phòng ngừa tác hại rượu, bia sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Ước tính mỗi 1 USD đầu tư cho thực hiện các chiến lược hiệu quả về phòng ngừa tác hại rượu, bia sẽ có lợi ích thu lại 9,13 USD.
Trong khi đó, Bộ Y tế và một số bộ, ngành chức năng cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về hạn chế sử dụng rượu, bia, rất cần có các chế tài mạnh mẽ để kiểm soát rượu, bia như: tăng thuế, cấm mọi hình thức quảng cáo, tiếp thị, xử phạt cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc; tăng mức xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu hình sự với người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trong cơ thể vượt ngưỡng quy định... Quan trọng hơn, Chính phủ, Quốc hội cần sớm cho ra đời Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng rượu, bia cũng như nâng cao hơn trách nhiệm của nhà sản xuất trước mối nguy hiểm đang hiển hiện này.